Cây dược liệu cây Mùi tây, Rau mùi tây - Petroselinum crispum (Mill.) Nym. ex Airy Shaw (P. sativum Hoflin.)

Theo Đông Y, Mùi tây kích thích chung và hệ thần kinh, chống thiếu máu, chống còi xương, chống hoạt huyết, chống khô mắt, giúp khai vị, dễ tiêu hoá, giải độc, lọc máu, lợi tiểu, điều hoà kinh nguyệt, dãn mạch, kích thích cơ trơn, chống ung thư và trị giun. Dùng ngoài trị căng sữa, bạch đới, đụng giập, vết thương, vết đốt của sâu bọ, đau mắt, đau dây thần kinh, tàn nhang.

1. Cây Mùi tây, Rau mùi tây - Petroselinum crispum (Mill.) Nym. ex Airy Shaw (P. sativum Hoflin.), thuộc họ Hoa tán - Apiaceae.

Cây rau mùi tây

2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu mùi tây

Mô tả: Cây thảo sống 2 năm, cao 20-50cm, thân xẻ rãnh. Lá chia thùy hoặc xẻ nhiều phần hẹp, nhất là những lá phía trên. Tán kép nhỏ, không có bao chung, mang 3 tán; mỗi tán mang cỡ 10-15 hoa trắng, đối xứng hai bên, 5 lá đài nhỏ, 5 cánh hoa nguyên hay chẻ đôi, cỡ 2,5mm, 2 vòi nhuỵ. Quả tròn dài cỡ 4mm.

Bộ phận dùng: Toàn cây, chủ yếu là lá - Herba et Folium Petroselini Crispi

Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở Tây Á và Bắc Phi, được trồng nhiều lấy lá làm rau ăn gia vị như Tỏi, Hành... Có thể thu hái cây quanh năm.

Thành phần hóa học: Các bộ phận của cây đều chứa: glucosid apiin, tinh dầu; hạt chứa coumarin... Tinh dầu có tỷ lệ cao trong quả và ở lá. Các thành phần chính đã biết là apiol, một hoạt chất estrogen, các vitamin A, B, C và chất khoáng Fe, Ca, P, Mg, Na, K, I, Cu, Mn, S, chlorophin, men, tinh dầu (pinen, tecpen, apiol, apein). Rất giàu vitamin C.

Tính vị, tác dụng: Mùi tây kích thích chung và hệ thần kinh, chống thiếu máu, chống còi xương, chống hoạt huyết, chống khô mắt, giúp khai vị, dễ tiêu hoá, giải độc, lọc máu, lợi tiểu, điều hoà kinh nguyệt, dãn mạch, kích thích cơ trơn, chống ung thư và trị giun. Dùng ngoài chống tiết sữa và tiêu sưng. Hạt khô kích thích và lợi tiểu.

Công dụng: Thường được chỉ dẫn dùng uống trong giúp tăng trưởng, trị: 

1. Thiếu máu, rối loạn dinh dưỡng, suy nhược, ăn không ngon, chứng khó tiêu, đầy hơi, thối ruột, máu xấu, đa huyết, viêm mô tế bào, sốt gián cách, nhiễm trùng; 

2. Thấp khớp thống phong; 

3. Ðau bụng kinh; 

4. Ðau gan mạn; 

5. Trạng thái thần kinh dễ kích thích; 

6. Mất trương lực của túi mật; 

7. Ký sinh trùng đường ruột.

Dùng ngoài trị căng sữa, bạch đới, đụng giập, vết thương, vết đốt của sâu bọ, đau mắt, đau dây thần kinh, tàn nhang.

Cách dùng: Thường dùng uống trong dưới dạng thuốc sắc, với liều 25-50g toàn cây hay rễ, lá trong 1 lít nước. Đun sôi 5 phút, hãm 15 phút. Ngày uống 2 ly.

Dùng ngoài giã đắp, nấu nước rửa, chiết nước dịch ngâm cồn uống.

3. Thông tin tham khảo thêm Rau mùi tây

Mùi tây là các loài thực vật thuộc chi Petroselinum, trong đó được biết đến nhiều nhất là P. crispum (mùi tây thường), P. neapolitanum (mùi tây lá quăn), P. crispum tuberosum (mùi tây lấy củ). Chúng là các loài cây thân thảo sống hai năm có lá màu lục sáng, sử dụng rất phổ biến trong ẩm thực của khu vực Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ. Thành phần sử dụng chủ yếu là lá của nó, giống như rau mùi (Coriandrum sativum), mặc dù loài này có mùi vị nhẹ hơn.

Có hai loài mùi tây được sử dụng như là cây thuốc: loài lá quăn và loài lá phẳng Italia. Mùi tây lá quăn cũng hay được dùng làm rau trang trí trong món ăn. Nhiều người cho rằng loài rau mùi lá phẳng có mùi vị mạnh hơn, và ý kiến này phù hợp với phân tích hóa học trong đó người ta thấy hàm lượng các tinh dầu trong giống lá phẳng là cao hơn. Một trong các hợp chất chứa trong tinh dầu là apiol. Một loài khác được trồng để làm một dạng rau ăn củ.

Rau mùi tây bị ấu trùng của một số loài thuộc bộ Lepidoptera phá hại, bao gồm Amphipyra tragopoginis và Discestra trifolii.

Rau mùi tây