Cây Gừng (Zingiber officinale (Willd.) Roscoe)

Gừng có nhiều công dụng y học. Thân rễ tươi hoặc khô được sử dụng trong các chế phẩm uống hoặc bôi để điều trị một số loại bệnh, trong khi tinh dầu được dùng bôi ngoài da như một loại thuốc giảm đau. Bằng chứng cho thấy gừng có hiệu quả nhất trong việc chống lại chứng buồn nôn và nôn mửa liên quan đến phẫu thuật, chóng mặt, say tàu xe và ốm nghén.

Thông tin đặc điểm cây Gừng

Tên khác: Khương

Tên khoa học: Zingiber officinale (Willd.) Roscoe

Họ: Gừng (Zingiberaceae)

Tên nước ngoài: Zingiber (Anh), Gingembre, Amome des Indes (Pháp)

Mẫu thu hái tại: Tuy Hòa-Phú Yên, ngày 01 tháng 06 năm 2009

Số hiệu mẫu: G 0609

Tìm hiểu thêm cây gừng tại Cây dược liệu cây Gừng, Khương - Zingiber officinale (Willd ...

Thân khí sinh là thân cỏ nhiều năm, cao khoảng 1 m. Thân rễ có khi phồng thành củ. Thân rễ (quen gọi là củ) không có hình dạng nhất định, phân nhánh trên một mặt phẳng, làm thành nhiều đốt, kích thước không đều, dài 3-7 cm, dày 0,5-1,5 cm, mặt ngoài màu trắng tro hay vàng nhạt, có vết nhăn dọc, ở đầu đốt có vết tích của thân cây đã rụng, trên các đốt có vết sẹo của các lá khô (vảy), vết bẻ màu trắng tro hoặc ngà vàng, lõi tròn rõ, mùi thơm, vị cay nóng. Lá không cuống, mọc so le thành 2 dãy, hình ngọn giáo, thắt lại ở gốc, đầu nhọn dài 15-20 cm, rộng 2 cm, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; gân lá song song. Bẹ nhẵn, có thể ôm vào nhau thành một thân giả. Lưỡi nhỏ dạng màng, nhẵn, chia 2 thùy cạn.

Gừng là một loài thực vật hay được dùng làm gia vị, thuốc. Nó được William Roscoe đặt danh pháp chính thức năm 1807, mặc dù nó đã được các tác giả khác đặt cho một loạt các danh pháp khác từ trước đó, chẳng hạn như từ trước năm 1753 khi Carl Linnaeus đưa phân loại học thành một khoa học - như Zingiber majus công bố năm ...

Hoa thức và Hoa đồ: Tiêu bản:

Đặc điểm giải phẫu:

Thân rễ

Biểu bì gồm một lớp tế bào hình chữ nhật, nhỏ xếp tương đối đều đặn. Dưới lớp biểu bì là mô mềm vỏ gồm 5-6 lớp tế bào hơi dẹp, vách tẩm chất gỗ. Phía dưới lớp mô mềm vỏ này có khoảng 5 lớp bần. Mô mềm vỏ khuyết, tế bào tròn, vách mỏng, có thể bị bẹp lại và nhăn nheo đối với thân rễ già. Nội bì đai Caspary, trụ bì gồm 1 lớp tế bào kích thước không đều, có xu hướng bị ép dẹp bởi các bó libe gỗ nằm gần đó. Vòng nội bì và trụ bì gần như liên tục. Mô mềm tủy là những tế bào hình tròn, to hơn tế bào mô mềm vỏ. Rất nhiều bó libe gỗ tập trung thành 1 vòng sát trụ bì và rải rác khắp mô mềm vỏ và mô mềm tuỷ. Mỗi bó có 1-6 mạch gỗ, libe chồng lên gỗ. Tế bào tiết chứa tinh dầu màu vàng tươi rất nhiều trong mô mềm vỏ và tủy.

Thân khí sinh

Cấu tạo từ nhiều bẹ lá ôm lấy lõi thân.

- Bẹ lá: Hình lưỡi liềm. Biểu bì trên hình đa giác, có kích thước lớn hơn biểu bì dưới. Mô mềm khuyết. Các bó mạch nhỏ, gồm từ 1-6 mạch gỗ, gỗ ở trên, libe ở dưới, các tế bào xung quanh hóa mô cứng. Tại đoạn có bó mạch, mô mềm và biểu bì bị ép dẹp. Ở bẹ lá ngoài cùng rải rác có biểu bì tiết.

- Thân: vi phẫu hình bầu dục. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, nhỏ. Dưới biểu bì là mô mềm khuyết hay đạo, tế bào hình tròn, vách mỏng. Trụ bì gồm 2-3 lớp tế bào uốn lượn tạo thành 1 vòng liên tục. Bên trong và ngoài vòng trụ bì có nhiều bó mạch gỗ nhỏ gồm từ 1-6 mạch gỗ, libe chồng lên gỗ. Các bó gỗ ngoài trụ bì thường có vòng mô cứng bao xung quanh, các bó phía trong thì không có. Mô mềm tủy đạo, tế bào đa giác hoặc chữ nhật, đôi khi có chừa các khuyết lớn.

Ở bẹ lá và thân đều chứa rải rác tinh thể calci oxalat hình khối nhỏ, túi tiết và tế bào tiết rải rác trong vùng mô mềm.

Mặt trên lõm, mặt dưới lồi, tế bào biểu bì hình đa giác, biểu bì dưới nhỏ hơn biểu bì trên, biểu bì tiết có cả ở 2 mặt. Mô mềm khuyết. Nhiều bó mạch xếp thành hàng, gỗ ở trên, libe ở dưới, vòng mô cứng nằm dưới libe. Bó gỗ ở gân giữa là lớn nhất và nhỏ dần về 2 phía. Túi tiết và tế bào tiết rải rác trong vùng mô mềm. Ở 2 bên phiến lá, dưới biểu bì trên có 1 lớp tế bào hạ bì lớn, không liên tục và 3 lớp mô mềm khá giống mô giậu, nhưng tế bào ngắn hơn. Trên biểu bì dưới cũng có 1 lớp hạ bì.

Biểu bì lá: Cả 2 mặt đều có lỗ khí nhưng biểu bì dưới có nhiều hơn, lỗ khí kiểu 1 lá mầm, các tế bào bạn có dạng hình chữ nhật ngắn hay lục giác. Biểu bì trên xếp đều đặn và thẳng hàng hơn biểu bì dưới.

Gừng

Đặc điểm bột dược liệu:

Bột thân rễ màu nâu vàng, mùi thơm, vị cay. Gồm có các thành phần sau: mảnh bần màu vàng nâu, gồm nhiều tế bào vách hơi dày. Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình đa giác, rải rác có chứa tế bào tiết tinh dầu màu vàng nhạt hoặc tinh bột. Tinh bột hình trứng, có vân rõ, tễ nằm gần đầu nhọn, kích thước 20-24x10-17 μm. Sợi có vách mỏng, phía trong có lỗ trao đổi. Mảnh mạch vạch, mạch vòng, mạch điểm.

Phân bố, sinh học và sinh thái:

Chi Zingiber ở châu Á có khoảng 45 loài, Việt Nam có 11 loài.

Gừng là loại cây gia vị cổ điển được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản là những nước trồng Gừng nhiều nhất thế giới. Ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp các địa phương, từ vùng núi cao đến đồng bằng và ngoài các hải đảo.

Trong nhân dân hiện nay có nhiều loại: gừng trâu có thân to, củ to thường để làm mứt, có nhiều ở các vùng núi thấp; gừng gié có thân và củ đều nhỏ nhưng rất thơm. Cây ưa ẩm, ưa sáng. Cây trồng thường có hoa năm thứ 2. Chưa thấy cây có quả và hạt. Gừng trồng sau 1 năm nếu không thu hoạch sẽ có hiện tượng tàn lụi (phần trên mặt đất) qua đông. Thời gian sinh trưởng mạnh của cây trùng với mùa hè-thu nóng và ẩm. Gừng tái sinh dễ dàng bằng những đoạn thân rễ có nhú mầm, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa xuân. Ra hoa vào mùa hạ và mùa thu.

Ginger Plant and Flower

Bộ phận dùng:

Thân rễ (Rhizoma Zingiberis) thu hái vào mùa thu đông, dùng tươi là sinh khương, phơi hoặc sấy khô là can khương. Còn dùng tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng, vẩy vào ít nước, đậy kín, để nguội); bào khương (gừng khô đã bào chế); thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính).

Công dụng: Bột rễ trị bệnh mắt hột tốt, làm giác mạc trở nên trong, giảm sự thẩm thấu dưới niêm mạc, tăng hoạt tính sống của mô mắt. Trị đau bụng lạnh, đầy trướng không tiêu, nôn mửa ỉa chảy, tứ chi lạnh, đàm ẩm, ho suyễn.

Thành phần hóa học:

Gừng chứa 2-3% tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: β-zingiberen (35%), ar-curcumenen (17%), β-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như geraniol, linalol, borneol.

Nhựa dầu chứa 20-25% tinh dầu và 20-30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, trong tinh dầu Gừng còn chứa α-camphen, β-phelandren, eucalyptol và các gingerol. Cineol trong Gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn.

Đọc thêm vị thuốc SINH KHƯƠNG (Rhizoma Zingiberis recens) 

Thông tin tìm hiểu thêm (Vị thuốc theo y học cổ truyền)

Sinh khương

Có chứa tinh dầu, thành phần trong dầu là Zingiberol, zingiberene, nonanal, borneol, chavicol, citral, methyheptenone. Tính cay ấm. Có tác dụng tăng cường tuần hoàn huyết dịch, kích thích tiết dịch vị, hưng phấn ruột, xúc tiến tiêu hóa, chữa cảm lạnh, buồn nôn, ho do lạnh. Mỗi lần dùng 4 - 10gr.

Can khương

Là củ gừng phơi khô, tính cay ấm. Có tác dụng làm ấm dạ dày, thường dùng để trị tỳ vị hư hàn, trướng bụng đau bụng, thổ tả, ho do đàm lạnh. Mỗi lần dùng 2 - 6gr

Ổi khương, Thán khương

Củ gừng đem lùi hoặc nướng thành than tồn tính (bên ngoài cháy đen nhưng bẻ ra thấy trong ruột còn màu nâu vàng và mùi gừng), Tính đắng ấm có tác dụng chỉ huyết (cầm máu) đường ruột. Mỗi lần dùng 2 -4gr

Khương bì

Là vỏ củ gừng phơi khô, kết hợp bốn loại vỏ khác như trần bì (vỏ quýt), phục linh bì (vỏ nấm phục linh), đại phúc bì (vỏ cau), ngũ gia bì (vỏ cây chân chim) phối thành thang ngũ bì ẩm nổi tiếng chuyên chữa phù thũng có thể dùng được cho cả phụ nữ có thai bị sưng hai chân.

Củ gừng tươi