Cây Hy Thiêm (Siegesbeckia orientalis L.)

Hy Thiên còn có rất nhiều tên khác như Cỏ đĩ, Cỏ lưỡi đòng, Cứt lợn, Hy kiểm thảo, Hy tiên, Niêm hồ thái, Chư cao, Hổ cao, Chó đẻ, Nụ áo rìa. Tên khoa học: Siegesbeckia orientalis L. Để không nhầm lẫn cây này vui lòng tìm hiểu kỹ thông tin có trong bài này.

Thông tin nhận biết cây Hy Thiên

Tên khác: Cỏ đĩ, Cỏ lưỡi đòng, Cứt lợn, Hy kiểm thảo, Hy tiên, Niêm hồ thái, Chư cao, Hổ cao, Chó đẻ, Nụ áo rìa.

Tên khoa học: Siegesbeckia orientalis L.

Tên đồng nghĩa: Siegesbeckia iberica Willd., S. micorcephala DC., S. brachiata Roxb., S. orientalis L. var. angustifolia Makino, S. humilis Koidz., S. glutinosa Wall., Minyranthes heterophylla Turcz.

Họ: Cúc (Asteraceae).

Tên nước ngoài: Common St Paul’s wort.

Đọc thêm: Cây dược liệu cây Hy thiêm - Siegesbeckia orientalis

Mẫu thu hái tại: Long Khánh, tháng 4/2010.

Số hiệu mẫu: HT0410, được lưu tại Bộ môn Thực vật Khoa Dược.

Cây cỏ, có mùi hôi nhẹ, mọc đứng, cao khoảng 30-40 cm, phân nhiều cành. Thân cây non tiết diện tròn, thân già tiết diện hình đa giác, màu xanh lục, phủ đầy lông mịn màu trắng.

Lá đơn, mọc đối chéo chữ thập, không có lá kèm. Phiến lá hình mác rộng, dài 6-9 cm, rộng 3-6 cm, gốc lá men xuống cuống một đoạn 1-2 cm tạo thành 2 cánh nhỏ ở hai bên cuống, mặt trên màu xanh lục sậm, mặt dưới nhạt hơn, hai mặt lá phủ đầy lông mịn màu trắng; mép lá có khía răng cưa tù, không đều; gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới, gân bên xếp thành từng đôi, có 1 đôi gân gốc và 6-10 đôi gân bên; các gân bên đều cong về phía ngọn lá. Cuống lá hình trụ, mặt trên hơi lõm, dài 1,5-3 cm, màu xanh, nhiều lông mịn màu trắng, gốc hơi nở rộng. Các lá phía ngọn đôi khi hình bầu dục thuôn, cuống ngắn đến không cuống.

Cụm hoa là đầu dị giao mọc ở ngọn cành hay nách lá, lưỡng phân, đường kính 5-6 mm, được mang bởi một cuống màu xanh lục, dài 1-2 cm, mặt ngoài phủ đầy lông mịn màu trắng; đế cụm hoa lồi. Đầu có 2 loại lá bắc: Lá bắc ngoài 5, mọc tỏa thành hình sao, họp thành tổng bao lá bắc; phiến rời, màu xanh lục, dài 7-8 mm, hình thìa, phần gốc dạng sợi phủ đầy lông mịn màu trắng, phần đầu phình to, mặt trên phần phình phủ đầy lông tiết dính đầu tròn. Lá bắc mang hoa ở nách, khum và bao lấy bầu noãn, dài 4-5 mm, rộng 1-2 mm, màu xanh lục, mặt lưng phủ đầy lông tiết dính đầu tròn.

Hoa nhỏ, màu vàng tươi, có 2 loại:

1. Hoa bìa 3-5, là hoa hình lưỡi nhỏ, không đều, hoa cái, kết quả. Lá đài giảm thành một gờ nhỏ. Cánh hoa dính nhau phía dưới thành một ống hẹp màu vàng xanh, dài 1 mm, rải rác mặt ngoài có lông mịn; phía trên xòe thành một phiến màu vàng tươi, đầu có 3 răng tròn, mặt trên có nhiều sọc dọc màu vàng sậm. Lá noãn 2, dính nhau tạo bầu dưới 1 ô đựng 1 noãn đính đáy; bầu có 4 cạnh, thuôn nhỏ bên dưới, dài 3-4 mm, cong, màu trắng khi non, màu tím nhạt rồi sậm khi già, mặt ngoài có những sọc dọc; vòi nhụy 1, hình sợi, màu vàng nhạt, vươn ra khỏi ống tràng một đoạn 0,5 mm và chia làm 2 đầu nhụy; đầu nhụy hơi cong, màu vàng sậm rồi đen, mặt trong phủ đầy gai thịt. Quả bế cong, mặt trên dẹp, đỉnh quả có 1 gờ nhỏ, màu tím đen, có 4-5 cạnh, dài 3-4 mm.

2. Hoa giữa 6-8, là hoa hình ống, đều, lưỡng tính, kết quả. Lá đài cũng là một gờ nhỏ. Cánh hoa 5, dính phía dưới thành một ống dài 1 mm, phía gốc hẹp và màu xanh, từ từ lên phía trên loe rộng và chuyển vàng, tận cùng chia thành 5 phiến hình tam giác, màu vàng, dài 0,5 mm, khi nở phiến hơi uốn cong ra phía ngoài, tiền khai van. Nhị 5, đều, đính trên ống tràng xen kẽ với cánh hoa, rời ở chỉ nhị dính nhau ở bao phấn thành ống bao quanh vòi nhụy; chỉ nhị hình sợi, màu vàng nhạt, nhẵn; bao phấn thuôn dài, màu vàng sậm, 2 ô, hướng trong, mở dọc, chung đới kéo dài trên đầu bao phấn thành một phiến hình tam giác màu vàng sậm, gốc bao phấn thuôn; hạt phấn rời, màu vàng, hình cầu gai, đường kính 25-35 µm. Bộ nhụy tương tự hoa bìa. Quả bế cong, mặt trên dẹp, đỉnh quả có 1 gờ nhỏ, màu tím đen, 4-5 cạnh, dài 3-4 mm.

Hy thiêm (tên khoa học: Sigesbeckia orientalis), hay còn có tên dân gian khác là cỏ đĩ, cứt lợn, hy kiểm thảo, hy tiên, niêm hồ thái, chư cao, hổ cao, chó đẻ, nụ áo rìa..., là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae)

Hoa thức và Hoa đồ:

Cây này ban đầu được dùng tại nước Sở, dân nước Sở gọi lợn là 豨 hy, cỏ đắng cay là 簽 thiêm. Vì vị của cây này như mùi lợn nên có tên gọi hy thiêm 豨簽. Tên cứt lợn là tên dịch nghĩa Việt của cây này, do vậy cần phân biệt với các loài khác cũng được gọi là cứt lợn như Ageratum conyzoides hay Lantana camara. Tên gọi cỏ đĩ là do cây này có chất dính vào người đi qua nó.

Tiêu bản:

Hy thiên có công dụng Chữa bán thân bất toại. Chữa phát bối, mọc mụn đầu đinh ở sau lưng.

Đặc điểm giải phẫu:

Rễ

Vi phẫu cắt ngang hình tròn, chia làm 2 vùng rõ rệt, vùng vỏ chiếm 1/5 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ 4/5. Các mô gồm:

Vùng vỏ: Bần thường 2-4 lớp tế bào (có khi hơn) vách mỏng, hình chữ nhật dẹt; các lớp phía ngoài thường bị bong rách không còn rõ dạng. Mô mềm vỏ 2-4 lớp tế bào hình bầu dục dẹt, vách mỏng, giữa các tế bào có đạo nhỏ. Nội bì 1 lớp tế bào hình đa giác dẹt, có đai caspari rõ. [inline:=Ống tiết] kiểu ly bào trong mô mềm vỏ, thường dẹt; vòng tế bào tiết ở bờ gồm 4 tế bào hình chữ nhật không đều, dẹp, bên trong có thể còn chất tiết màu vàng.

Vùng trung trụ: Trụ bì 1-2 lớp tế bào hình chữ nhật dẹt, xếp xen kẽ với tế bào nội bì, hóa mô cứng thành vài cụm nhỏ xếp rải rác với những tế bào có vách dày hay mỏng. Libe là một vòng liên tục bao quanh gỗ, libe cấp 1 ở phía trên bị ép bẹp méo mó, libe cấp 2 ở dưới, vài lớp tế bào gần tầng sinh libe gỗ có hình chữ nhật và xếp xuyên tâm. Gỗ 2 vào đến tâm, chiếm phần lớn diện tích vi phẫu, rễ càng già phần gỗ càng rộng; mạch gỗ kích thước không đều, rải rác khắp vùng mô mềm; mô mềm gỗ là những tế bào hình đa giác, vách hóa gỗ dày hay mỏng, xếp khít nhau, có thể một vài vùng tế bào vách cellulose. Gỗ cấp 1 ngay tâm vi phẫu, là 2 bó xếp khít và đối diện nhau, phân hóa hướng tâm; mỗi bó gồm 2-3 mạch nhỏ. Tia tủy gồm tia gỗ hẹp với 1-2 dãy tế bào, tia libe mở rộng về phía trụ bì.

Thân

Vi phẫu cắt ngang hình tròn ở thân non, hơi đa giác ở thân già, vùng vỏ chiếm 1/9 diện tích vi phẫu, vùng trung trụ chiếm 8/9.

Vùng vỏ: Biểu bì 1 lớp tế bào hình chữ nhật; lớp cutin mỏng; lỗ khí ít gặp. Lông che chở nhiều, kéo dài từ 2-3 tế bào biểu bì, dài ngắn không đều, đầu nhọn, đa bào với thường là 6-8 tế bào, đôi khi 4-5 hay 10-11, xếp thành hàng dọc; những tế bào bên dưới ngắn, hơi phình và vách mỏng, các tế bào ở trên hẹp, dài, thuôn và vách dày hơn. Lông tiết có chân rất ngắn đơn bào và đầu phình to đa bào, gồm 4-6 tế bào dẹt xếp chồng lên nhau. Mô dày 3-4 lớp tế bào có vách dày ở góc, xếp thành vòng liên tục. Mô mềm vỏ 3-4 lớp tế bào hình tròn hay bầu dục, xếp chừa những đạo nhỏ. Ống tiết kiểu ly bào có nhiều trong mô mềm vỏ, vòng tế bào tiết bao quanh bờ thường là 5, đôi khi 4 hay 6, tế bào nhỏ, không đều, hình bầu dục hơi dẹt. Nội bì 1 lớp tế bào hình đa giác hay chữ nhật, có đai caspari rõ.

Vùng trung trụ: Trụ bì hoá mô cứng thành từng cụm úp lên đầu bó libe gỗ, tế bào hình đa giác, vách dày, xếp khít nhau. Vòng mô dẫn gồm nhiều bó libe gỗ không đều nối liền nhau bởi những vùng mô mềm (khoảng gian bó). Bó libe gỗ gồm: libe cấp 1 tế bào bị ép bẹp méo mó; libe cấp 2 tế bào có vách uốn lượn, 2-4 lớp tế bào gần tượng tầng có hình chữ nhật, xếp thành dãy xuyên tâm; gỗ cấp 2 với những mạch gỗ không đều, hình đa giác, mô mềm gỗ tế bào hình đa giác, vách dày hay rất dày, xếp xuyên tâm; tia tủy hẹp 1-2 dãy tế bào; bó gỗ cấp 1 là 2-5 ở mỗi bó libe gỗ, có thể xếp song song hay xếp tỏa ra như nan quạt, mỗi bó gồm 4-6 mạch gỗ không đều, phân hóa ly tâm, được bao quanh bởi mô mềm với những tế bào hình đa giác, vách cellulose, xếp khít nhau; cụm mô cứng có thể có dưới các bó gỗ cấp 1. Khoảng gian bó có thể hẹp hay rộng với nhiều dãy tế bào xếp xuyên tâm, gồm 2 loại mô mềm: mô mềm trên tầng sinh libe gỗ là 4-5 lớp tế bào hình chữ nhật dẹt, vách cellulose; mô mềm dưới tầng sinh libe gỗ là nhiều lớp tế bào hình đa giác hay hình chữ nhật, vách mỏng hóa gỗ. Mô mềm tủy tế bào không đều, càng vào giữa tế bào càng to, hình đa giác, xếp chừa những đạo nhỏ. Ống tiết kiểu ly bào có nhiều trong mô mềm tủy, bờ thường là một vòng 5 tế bào tiết, đôi khi 4 hay 6, nhỏ, không đều, hình bầu dục hơi dẹt.

Gân giữa: mặt trên và mặt dưới đều lồi tròn, mặt dưới lồi nhiều hơn. Biểu bì tế bào hình vuông hay chữ nhật; lớp cutin mỏng; lỗ khí ít gặp. Lông che chở đa bào tương tự như ở thân. Mô dày trên 3-4 lớp tế bào có vách dày ở góc, tạo thành một cung liên tục. Mô mềm tế bào hình tròn, vách uốn lượn, xếp chừa những đạo nhỏ. Libe gỗ cấp 1 ở giữa, gồm 3 bó không đều xếp thành hình cung, bó ở giữa to nhất; bó libe hình cung bao phía dưới gỗ; bó gỗ ở trên, gồm các mạch gỗ nhỏ kích thước không đều xếp thành dãy và mô mềm gỗ với những tế bào vách cellulose. Mô dày dưới 2 lớp tế bào có vách dày ở góc, tạo thành cung liên tục. Ống tiết kiểu ly bào, rải rác trong mô mềm, thường trong vùng quanh bó libe gỗ, cấu tạo giống ở thân.

Phiến lá: Biểu bì tế bào hình chữ nhật; biểu bì trên tế bào to, biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn và dẹt, nhiều lỗ khí; lớp cutin mỏng. Lông che chở tương tự ở gân giữa. Lông tiết rải rác ở biểu bì dưới, có 2 loại: loại chân đơn bào đầu đa bào gồm 4-6 lớp tế bào dẹt xếp chồng lên nhau và loại chân đa bào gồm 3-4 tế bào dẹt xếp chồng lên nhau, đầu đơn bào. Mô mềm giậu 2 lớp tế bào hình chữ nhật thuôn dài, xếp khít nhau và thẳng góc với biểu bì trên, tế bào của lớp trên to và dài hơn. Mô mềm khuyết tế bào không đều, hình gần tròn. Bó libe gỗ của gân phụ rải rác, gồm 3-4 mạch gỗ rất nhỏ ở trên, libe ở dưới; xung quanh bó libe gỗ là bao mô mềm gồm 4-5 tế bào không đều, to hơn các tế bào xung quanh.

Cuống lá: Vi phẫu cắt ngang có mặt trên lõm hình chữ V, mặt dưới lồi tròn, hai bên có phần phiến ngắn cong xuống do phiến lá men xuống cuống. Biểu bì tế bào hình vuông hay chữ nhật; lớp cutin mỏng; lỗ khí ít gặp; lông che chở đa bào tương tự như ở thân; lông tiết ít gặp. Mô dày trên 3-4 lớp tế bào có vách dày ở góc, tạo thành một cung liên tục. Mô mềm tế bào hình tròn, vách uốn lượn, xếp chừa những đạo nhỏ. Libe gỗ cấp 1 ở giữa gân lá, gồm 5-8 bó không đều xếp thành hình cung, bó ở giữa to nhất; bó libe hình cung bao phía dưới gỗ; bó gỗ ở trên, gồm các mạch gỗ nhỏ kích thước không đều xếp thành dãy và mô mềm gỗ với những tế bào vách cellulose. Mô dày dưới 2 lớp tế bào không đều, vách dày ở góc, tạo thành cung liên tục. Ống tiết kiểu ly bào, rải rác trong mô mềm, thường trong vùng quanh bó libe gỗ, cấu tạo giống ở thân.

Đặc điểm bột dược liệu:

Bột có màu lục xám, vị đắng, mùi thơm nhẹ.

Soi dưới kính hiển vi thấy: [Mảnh biểu bì] tế bào vách mỏng, có khi có lỗ khí hoặc lông che chở. Lông che chở đa bào nhiều, thường gãy thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, lông nguyên vẹn đầu nhọn, có 4-8 tế bào xếp thành hàng dọc, tế bào càng gần ngọn càng thuôn hẹp và dài, tế bào ở giữa teo hẹp lại. Lông tiết nhiều, đầu tròn đơn bào hay đa bào, chân rất ngắn. Mảnh mạch vạch, mạch điểm, mạch xoắn. Mảnh mô mềm tế bào có vách mỏng. Mảnh mô giậu chứa đầy lục lạp, tế bào không rõ. Sợi đứng riêng lẻ hoặc tập trung thành bó, đường kính nhỏ, vách mỏng, khoang rộng. Hạt phấn hoa hình cầu, đường kính 25-35 µm, mặt ngoài có gai thưa, màu vàng nhạt. cây Hy thiêm trong khi sử dụng thường bị nhầm lẫn với cây Cỏ cứt lợn hay còn gọi là Cỏ hôi (Ageratum conyzoides L.) cùng họ Cúc (Asteraceae).

Phân bố, sinh học và sinh thái: 

Mọc hoang ở khắp các tỉnh trong nước ta. Phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, châu Úc, Philipin và nhiều nước khác. Cây mọc ở chỗ ẩm mát ven rừng, cạnh đường, trên các đồi.

Mùa hoa: tháng 4-5 đến tháng 8-9, mùa quả: các tháng 6-10.

Đặc điểm khác:

Bộ phận dùng:

Toàn cây trên mặt đất (Herba Siegesbeckiae)

Thành phần hóa học: 

Hy thiêm chứa daturosid (thủy phân cho glucose và darutigenol), orientin, orientalid và 3,7-dimetylquercetin. Chứa alkaloid, saponin, melampolid, oriantalid và darutigenol (diterpen).

Tác dụng dược lý - Công dụng: 

Theo tài liệu cổ, Hy thiêm vị đắng, tính hàn, hơi có độc, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt. Toàn cây thường được dùng trị phong thấp, tê bại nửa người, đau nhức xương khớp, đau lưng mỏi gối, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt lở ngứa, rắn cắn, ong đốt. Ngày dùng 8-16 g, dạng thuốc sắc, cao hoặc hoàn tán. Dùng ngoài giã đắp không kể liều lượng.

Đơn thuốc có hy thiêm: Viên Hy thiêm chữa bán thân bất toại

Lá và cành non Hy thiêm hái trước khi ra hoa sao vàng tán bột. Thêm mật vào viên thành viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 3-6 viên này, nếu uống được rượu thì nên dùng rượu để chiêu thuốc. Uống vào sau bữa ăn, chữa bán thân bất toại, miệng mắt méo do cảm gió, mất tiếng (đơn thuốc kinh nghiệm cổ truyền).

Chú ý: Trong Bản thảo cương mục có ghi dùng cây này phải nấu hay phơi chín lần mới tốt, dùng tươi có thể gây nôn mửa.

Người ta hường nhầm lẫn Hy thiêm với cây Cứt lợn (Ageratum conyzoides L.) mà nhân dân thường dùng để gội đầu với bồ kết hay chữa bệnh rong kinh.

Tham khảo thêm hình ảnh

Thông tin nghiên cứu khoa học cây Hy Thiên liên tục được cập nhật tại đây

1. Phân lập và xác định rutin từ cây hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L.) của Việt Nam.

2. Nghiên cứu tiêu chuẩn hóa dược liệu hy thiêm (Herba Siegesbeckia)

3. Nghiên cứu thành phần hóa học loài Siegesbeckia orientalis L. và đánh giá tác dụng ức chế enzyme xanthine oxidase

4. HOẠT TÍNH KHÁNG OXY HÓA CỦA CAO CHIẾT CÂY HY THIÊM (SIEGESBECKIA ORIENTALIS L.)

5... Đang cập nhật