Nam mô A Di Đà Phật! Các bạn đồng tu thân mến!
Cổ nhân có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nghĩa là thế nào? Ba đời có nghĩa là đời trước, đời hiện tại và đời sắp đến (vị lai). Vợ chồng cũng thế, là duyên nợ ba sinh, cũng là ba đời có duyên với nhau gặp gỡ kết nên mà thành. Nếu là đến đền đáp nhau thì sống hạnh phúc, chăm lo đến đầu bạc răng long, còn nếu là đến báo oán thì vô cùng khốn khổ, cái nhà như là một nhà tù cực hình, hạnh hạ nhau đến cùng cực.
Quay lại câu: “Không ai giàu ba họ” thì nghĩa ra sao? Vì khi nghèo nên biết trân quý đồng tiền mồ hôi nước mắt làm ra, nên dù khó khăn khổ cực ban đầu nhưng tằn tiện và chăm chỉ nên cuối cùng cũng có chút của ăn, của để. Nhưng khi có vốn, làm ăn phất lên, nhưng con cái đời tiếp theo còn cố biết làm ăn mà giữ gìn, nhưng đến đời cháu vì ỷ thế ông bà, bố mẹ có tiền thì lao vào ăn chơi phung phí, ham hưởng thụ thành ra “miệng ăn núi lở”, nguy hiểm nhất là cờ bạc, trai gái, nghiện ngập, đến lúc đó bao nhiêu bỗng chốc cũng hết.
Bài học các bạn đã thấy, bao nhiêu gia đình phá gia, bại sản, con cái hư hỏng, bố mẹ sống cuối đời như một cực hình, có nhiều người chết không có tấm ván để chôn. Nhưng theo đạo Phật nhân quả thì ngoài cái nhân tạo nghiệp, nhiều người khi có chút tiền không nghĩ đến cái ngày xưa gian khó, chẳng biết đem tiền làm công đức, cứu giúp người nghèo, in kinh, dựng tượng Phật tạo phước cho mình và cho con cái. Như cây kia, muốn có quả nhiều thì phải chăm vun gốc, bón phân v.v… Cũng như thế muốn đời sau giàu có phải biết vun gốc lành làm phước điền lợi ích cho người.
Nhiều người thường nói: “Tôi không ăn của người, nhưng đừng hòng ai ăn được của tôi”. Cái nhân keo kiệt vô cảm với những người nghèo khó quanh chúng ta, miếng ăn ngon ăn không hết đem đổ đi, quần áo mặc còn tốt nhưng không còn đúng mốt đem xé bỏ trong khi bao người đói rét chẳng nỡ đem cúng dường nên đời sau nghèo cùng khốn khổ, ngồi chìa tay bên cổng chợ mà chẳng ai cho là quả mình đã gây ra. Vì chẳng học kinh điển, chẳng hiểu giáo lý nhân quả, nên ham ngũ dục, chẳng có làm công đức nên nhiều khi cái nghèo khổ đến rất nhanh, con cái thì bất hiếu, vợ chồng cãi cọ bỏ nhau nên Phật nói: “Nhân quả như hình với bóng không có xa rời”. Bạn gieo nhân gì thì gặp quả đó, gieo nhân lành thì thu quả ngọt, trái thơm, gieo nhân ớt phải hái ớt cay chẳng thể gieo ớt mà hái được hồng ngọt.
Các bạn đồng tu thân mến!
Như vừa qua chúng ta đã thấy, nhiều người là quan nhân dân tín nhiệm bầu lên nhưng lại xa dời dân, được nhà nước tin tưởng giao trọng trách lớn thì không làm tròn trách nhiệm, lại vô ơn bạc nghĩa lao vào tham nhũng bất chung, bất nghĩa nên phải lâm vào tù tội, giờ ân hận cũng đã quá muộn, đời sau làm sao còn có cơ hội làm người? Làm sao có sự nghiệp lớn?
Nói ai, như người ca sĩ, khán giả là nhân dân lao động cả nước, họ thương yêu mua vé đến xem, đem lộc cho mình, khi đã giàu có lại xa dời họ, phản lại họ, vô ơn với họ, coi mình là tầng lớp quý tộc, đẳng cấp trên. Vì thế, họ đã bỏ đi, trình diễn không ai thèm đến xem, các doanh nghiệp giờ cũng phải quay mặt nên sự nghiệp phút chốc tan vỡ. Nhà cửa dinh thự làm bằng đồng tiền bất chính nên cũng bỗng chốc tan hoang! Đó không phải do nhân quả sao?
Người tu hành cũng là như thế! Chùa là do tiền và công sức tín na làm ra, cơm cũng là của họ mang cúng dường, áo cũng là do chu cấp, thế mà biến chùa thành nhà của mình, coi thường người tu tại gia, tiêu pha vào việc bất chính cho riêng mình, chẳng tụng kinh, hoằng pháp lợi ích cho họ, chẳng giữ giới nên chẳng ai đến chùa cúng dường nữa, thành ra nhân gian nói “như chùa bà Đanh”, thậm chí bị dân đuổi, nhiều người đã phải vào tu như chúng ta đã thấy ở Thái Lan và Trung Quốc vừa qua!
Các bạn đồng tu thân mến!
Phật dạy chúng ta phải biết thực hành Tứ trọng ân, đó là:
1. Phải biết ơn Phật và chư Bồ Tát, những đấng phúc huệ đem giáo lý chỉ dạy cho mình để biết tu hành thoát ly sinh tử luân hồi, thoát khỏi khổ đau để có cuộc sống hạnh phúc và thành tự đạo quả.
2. Phải biết ơn các thiện tri thức là các quý thầy, các vị Pháp sư đã đem giáo lý nhà Phật chỉ bày lợi ích cho mình.
3. Phải biết ơn Phật trong nhà, tức là cha mẹ ông bà của mình, những đấng đã sinh ra chúng ta, vất vả làm ăn nuôi nấng cho ta nên người.
4. Phải biết ơn đất nước, nhân dân, những vị anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh cho đất nước hôm nay ta sống, làm ra hạt gạo, miếng cơm ta ăn. Nếu không biết làm tròn tứ trọng ân này thì chẳng làm tròn bổn phận của một con người, khó có cơ hội mà trở lại làm người chứ đừng nói mà thành Tiên, Thánh, Bồ Tát, hay Phật.
Các bạn đồng tu thân mến! Nhân ngày sắp đến mừng vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát, sau là vía Phật A Di Đà, tôi xin trân trọng gửi đến chia sẻ với các bạn đồng tu xa gần về giáo lý như thế. Chúc các quý bạn, thân tâm thường lạc, công đức thêm nhiều, đạo hạnh ngày càng tăng tiến!
Quảng Tịnh cư sĩ