1. Hình ảnh quả, lá cây Thị đầu heo
2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu Thị đầu heo
Thị đầu heo, Cườm thị - Diospyros malabarica (Desr.) Kostel. (D. embryopteris Pers., D. peregrinaGurcke), thuộc họ Thị - Ebenaceae.
Mô tả: Cây gỗ thường xanh cao 10-15cm, cành nhánh mọc ngang vươn dài. Lá đơn, nguyên, mọc so le, gần như xếp hai hàng; phiến lá bầu dục thuôn dài, dài 8-30cm, rộng 6-9cm, dai, màu lục nhạt; cuống dài 6-20mm. Xim đực 3-7 hoa vàng vàng, cao cỡ 1cm; nhị nhiều 20-60. Xim cái 2-5 hoa to hơn hoa đực; bầu trên, 8-10 ô. Quả mọng hình cầu hay hình trứng, dày 2,5-5cm, nhẵn hay có tuyến màu đo đỏ; đài mang quả với 4 thùy trải ra, lún phún lông hay nhẵn; hạt vàng, phủ lông phấn.
Hoa tháng 6-7, quả tháng 9-10.
Bộ phận dùng: Quả, vỏ - Fructus et Cortex Diospyri Malabaricae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Thái Lan, Lào. Việt Nam, cho tới Inđônêxia. Ở nước ta cây mọc ở rừng miền Nam và miền Trung. Cũng thường được trồng ở các thành phố (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) và các tỉnh Nam Hà, Ninh Bình, ...làm cây bóng mát.
Thành phần hóa học: Quả chứa 15% và vỏ chứa 12% tanin; quả còn chứa pectin và glucose. Lá chứa (-sitosterol, betulin và acid oleanolic. Vỏ chứa acid betulinic. Hạt chứa dầu.
Tính vị, tác dụng: Quả và vỏ thân có vị chát, đắng, nhất là khi còn xanh, lại có dầu; khi chín có vị ngọt dịu. Quả và vỏ tác dụng thu liễm. Nước chiết quả bằng ether có tác dụng diệt khuẩn.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả ăn được. Có khi người ta dùng quả chín đem ép và cho bốc hơi trong nồi chưng cách thuỷ, sẽ xuất hiện những mảng mềm màu nâu đỏ, dễ tan trong nước. Ðó là một chất làm săn da rất có ích để trị ỉa chảy và lỵ mạn tính. Liều dùng uống trong là 3-30cg, 3 lần trong ngày. Với liều 8g trong 600g nước, dùng chữa bệnh bạch đới, bằng cách thụt qua âm đạo.
Ở Ấn Độ, dầu hạt dùng trị ỉa chảy và lỵ; nước nấu quả dùng súc miệng trị bệnh aptơ và đau ngực, dịch quả dùng đắp vết thương và loét; vỏ dùng trị lỵ và sốt gián cách.