Cây dược liệu cây Mướp đắng, Khổ qua, Lương qua - Momordica charantia L

Theo Đông Y, Mướp đắng Cây có vị đắng, tính hàn, không có độc, tính giống Rau má; có tác dụng trừ tả nhiệt, giải lao, thanh tâm, sáng mắt. Quả có vị hơi đắng, tính hàn, không có độc; Quả được dùng làm thuốc bổ máu, giảm sốt, giảm ho, trị giun, hạ đái đường. Còn dùng ngoài trị nhọt mủ, xát ngoài da cho trẻ em trị rôm sẩy.

1. Cây Mướp đắng, Khổ qua, Lương qua - Momordica charantia L., thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae.

Mướp đắng (tên Hán-Việt: khổ qua được dùng thông dụng ở miền Nam Việt Nam, khổ 苦: đắng, qua 瓜: gọi chung các loại bầu, bí, mướp; tên khoa học: Momordica charantia) là một cây leo mọc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc họ Bầu bí, có quả ăn được, thuộc loại đắng nhất trong các loại rau quả.

Mướp đắng là cây bản địa của vùng nhiệt đới nhưng không rõ có nguồn gốc ở nước nào. Cây mướp đắng được trồng rộng rãi ở Ấn Độ (Karela करेला trong tiếng Hindi), Pakistan (Karela کریلا trong tiếng Urdu, اردو), (komboze کمبوزه trong tiếng Ba Tư), Nam Phi, Đông Nam Á, Trung Quốc, châu Phi và vùng Caribe.

Hình ảnh vường trồng cây Mướp đắng

2. Thông tin mô tả chi tiết Dược liệu Mướp đắng

Mô tả: Dây leo bằng tua cuốn. Thân có cạnh. Lá mọc so le, chia 5-7 thùy, mép khía răng, gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng lẻ ở nách lá, có cuống dài. Cành hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi dài, mặt ngoài có nhiều u lồi, khi chín màu vàng hồng. Hạt dẹp, có màng đỏ bao quanh. 

Bộ phận dùng: Quả, hoa, rễ - Fructus, Flos et Radix Momordicae Charantiae.

Nơi sống và thu hái: Loài cổ nhiệt đới, được trồng phổ biến để lấy quả làm rau ăn. Nếu dùng làm thuốc thì chọn quả vàng lục, dùng tươi. Nếu cần hạt thì lấy ở những quả chín, phơi khô. Lá, rễ thường dùng tươi.

Thành phần hóa học: Trong quả có tính dầu rất thơm, glucosid, saponin và alcaloid momordicin; còn có các vitamin B1, C; caroten, adenin, betain. Hạt chứa dầu và chất đắng. Trong quả còn có các enzym tiêu protein.

Tính vị, tác dụng: Cây có vị đắng, tính hàn, không có độc, tính giống Rau má; có tác dụng trừ tả nhiệt, giải lao, thanh tâm, sáng mắt. Quả có vị hơi đắng, tính hàn, không có độc; lúc còn xanh nó có tính giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát tim, nhuận tràng bổ thận, nuôi can huyết, bớt mệt mỏi, trừ nhiệt độc, lợi tiểu, làm bớt đau nhức khớp xương; khi chín nó có tính bổ thận kiện tỳ, đường huyết. Dịch lá hơi nhuận tràng, hạ sốt. Quả và lá còn có tác dụng diệt giun; rễ dùng để thu liễm.

Công dụng: Quả được dùng làm thuốc bổ máu, giảm sốt, giảm ho, trị giun, hạ đái đường.  Còn dùng ngoài trị nhọt mủ, xát ngoài da cho trẻ em trị rôm sẩy.

Ở Trung Quốc, người ta dùng quả Khổ qua để trị đột quỵ tim, bệnh sốt, khô miệng, viêm hầu, bệnh ecpet mảng tròn.

Ở Ấn Độ, dịch quả được dùng trị rắn cắn, quả (cả lá, rễ) dùng tốt trị bệnh đái đường do tác dụng làm giảm glucose huyết.

Ở Thái Lan, dịch quả dùng trị loét aptơ, còn quả dùng trị bệnh về gan và lá lách.

Lá trị mọi thứ đơn độc, đỏ tấy, vết thương nhiễm độc, viêm mủ da, trĩ đau và trị rắn cắn. Còn dùng chữa nhức đầu, đau óc và bạch đới hạ. Dịch lá được dùng ở Ấn Độ trị bệnh về mật. Quả và lá dùng trị trĩ, phong cùi, vàng da và trị giun.

Rễ dùng chữa sốt và giải độc. Ở Ấn Độ dùng trị trĩ (lòi dom).

Hoa, lá, rễ cũng được dùng trị lỵ, nhất là lỵ amíp, hoa còn dùng chữa đau dạ dày.

Hạt có tính bổ dương, tráng khí, dùng chữa ho, viêm họng, trẻ em lên cơn kinh giật do sốt cao hoặc kinh phong.

Ở Ấn Độ, người ta còn dùng quả tán bột để hàn các vết thương, vết loét ngoan cố và ác tính.

Ðơn thuốc:

1. Chữa ho, viêm họng: Nhai hạt Mướp đắng nuốt nước.

2. Chữa trẻ em đầu khô sủi vẩy trắng, chốc đầu: Dùng lá Ðào nấu nước gội, rồi nhai quả và hạt. Mướp đắng xoa, hoặc giã nát bôi.

3. Chữa đau dạ dày: Hoa Mướp đắng, tán nhỏ uống (Lê Trần Ðức).

4. Chữa nhọt độc sưng tấy và mụn nhọt đau nhức: Lá Mướp đắng 1 nắm, sắc uống với một chén rượu, hoặc phơi khô tán bột uống mỗi lần 12g với rượu. Ngoài giã lá tươi chưng nóng đắp vào (Dược liệu Việt Nam - Lê Trần Ðức).

5. Chữa rắn cắn: Hạt và lá 4-8g, nhai nuốt nước, lấy bã đắp lên vết cắn (Dược liệu Việt Nam).

3. Mướp đắng trong đời sống

Ở Việt Nam, khổ qua là món ăn phổ biến vào những ngày Tết, đặc biệt ở miền Nam. Tuy nhiên có hai cách giải thích trái ngược nhau về món ăn này trong ngày tết. Một cách giải thích cho rằng khổ qua nghĩa là rước đến cái khổ cho mình cho nên không nên ăn, cách giải thích thứ hai lại cho rằng ăn cho cái khổ nó qua đi. Một số món ăn ngon làm từ mướp đắng là canh mướp đắng nhồi thịt, canh mướp đắng cá quả, mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi trứng muối và mướp đắng rán giòn.

Một số món ăn phổ biến có nguyên liệu là Mướp đắng

4. Lợi ích của mướp đắng và tác dụng thải độc gan

1. Mướp đắng được sử dụng phổ biến như thế nào?

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, mướp đắng còn gọi là khổ qua, cẩm lệ chi, lại bồ đào, hồng cô nương, lương qua, mướp mủ, chua hao (Mường – Thanh Hóa). Cây mướp đắng được trồng nhiều nơi, khắp vùng miền của nước ta. Mướp đắng được chế biến thành các món như pha trà, nấu canh, xào, luộc.

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính mát, công dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát máu, nhuận tràng, nhuận tỳ, bổ thận, nuôi can huyết, lợi niệu, trừ nhiệt độc, chống mệt mỏi.

Không chỉ là món ăn, vị thuốc trong y học cổ truyền Việt Nam, mướp đắng cũng được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Là một nguồn giàu chất chống oxy hóa, flavonoid và các hợp chất polyphenol khác, mướp đắng có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe.

Loại quả này đã được sử dụng trong chữa bệnh ở nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản. Trong y học dân gian Thổ Nhĩ Kỳ, mướp đắng được biết đến như một loại thuốc làm dịu dạ dày. Người Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng mướp đắng từ hàng trăm năm trước để làm dịu vết loét, táo bón, giữ nước, đầy hơi...

Ở Ấn Độ, mướp đắng được coi là một trong những loại cây quan trọng nhất đối với "thực hành y học dân tộc" Ayurvedic. Mướp đắng được sử dụng để giúp cân bằng hormone, kiểm soát các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, giảm rối loạn tiêu hóa, điều trị rối loạn da hoặc vết thương và cũng là thuốc nhuận tràng tự nhiên để điều trị táo bón.

Mướp đắng cũng nổi tiếng vì có tác dụng giảm ho tự nhiên và bảo vệ các bệnh về đường hô hấp. Ngày nay, mướp đắng vẫn được sử dụng rộng rãi như một loại rau trong nấu ăn hàng ngày ở nước ta và một số nước khác ở châu Á.

2. Lợi ích sức khỏe của mướp đắng

Mướp đắng là loại quả mà hầu như người nào lần đầu nếm thử cũng cảm thấy rất đắng và khó ăn được nhưng loại quả này có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nhiều nền văn hóa trên thế giới kết hợp mướp đắng trong chế độ ăn uống vì tác dụng hỗ trợ làm giảm lượng đường trong máu. Mướp đắng giúp các tế bào trong cơ thể sử dụng glucose và di chuyển nó ra khỏi máu vào gan, cơ và mỡ.

Mướp đắng giúp giảm lượng đường trong máu

Mướp đắng chứa các hợp chất hoạt tính sinh học gọi là saponin và terpenoid. Các hợp chất này tạo ra vị đắng của quả nhưng cũng có thể đóng vai trò làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường.

Mặc dù mướp đắng chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị bệnh đái tháo đường hoặc bất kỳ tình trạng bệnh lý nào khác ở Hoa Kỳ nhưng thực tế chiết xuất mướp đắng có sẵn không cần kê đơn dưới dạng thực phẩm bổ sung ở nhiều dạng bao gồm chất lỏng, bột và viên nén.

Mướp đắng chứa polyphenol có tác dụng chống viêm

Mướp đắng chứa nhiều polyphenol, các hợp chất này được biết đến với khả năng giảm viêm trong cơ thể. Càng có nhiều chất này thì tác dụng chống viêm càng lớn.

Tăng cường trao đổi chất

Nhiều người còn sử dụng mướp đắng để giảm cân. Mướp đắng đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự hình thành và phát triển của các tế bào mỡ và ngăn chặn các tế bào mỡ tích trữ chất béo. Nó cũng làm tăng sự trao đổi chất nhưng phải theo dõi cảm giác của mình khi ăn.

Có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa và thải độc gan

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng còn cho rằng gan sẽ rất "hạnh phúc" khi chúng ta ăn mướp đắng. Thực tế, vị đắng tự nhiên của mướp đắng khiến nhiều người khó chịu nhưng hãy nhớ rằng đa số những thực phẩm có vị đắng rất tốt cho gan. Chúng không chỉ thải độc gan (cùng với phổi, lá lách và tim) mà còn có những hợp chất trong đó giúp ích cho gan rất nhiều. Các saponin và terpenoid trong mướp đắng có thể giúp di chuyển glucose từ máu đến tế bào đồng thời giúp gan và cơ bắp của bạn xử lý và lưu trữ glucose tốt hơn.

Ví dụ, mướp đắng hỗ trợ gan giảm cholesterol LDL cũng như chất béo trung tính.

Các tài liệu cũng nói rằng ăn mướp đắng có thể mang lại làn da sáng khỏe nhờ có tác dụng thải độc gan...

Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Annamalai ở Ấn Độ cho thấy chiết xuất từ mướp đắng làm tăng nồng độ glutathione peroxidase (GPx), superoxide effutase (SOD) và catalase, giúp cải thiện quá trình thải độc gan và ngăn ngừa tổn thương gan.

Tuy nhiên, theo chuyên gia y học cổ truyền Ấn Độ, Vaidya Mishra luôn cảnh báo mọi người tránh mốt uống nước ép mướp đắng vì ông cho rằng bất cứ thứ gì có tác dụng thải độc gan nên được nấu chín trong mỡ - bơ sữa trâu là loại tốt nhất và dầu ô liu là chất béo tốt thứ hai nên sử dụng. Bằng cách nấu mướp đắng (hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào) với chất béo, chất béo sẽ dễ dàng di chuyển vào tế bào hơn để hấp thụ tốt nhất.

3. Dinh dưỡng trên mỗi khẩu phần

Một quả mướp đắng tươi chứa:

  • Lượng calo: 21
  • Chất đạm : 1 gam
  • Chất béo: 0 gam
  • Carbohydrate: 5 gram
  • Chất xơ: 3 gam
  • Đường: 0 gam
  • Cholesterol: 0 miligam
  • Natri: 6 miligam

Mướp đắng cũng giàu một số chất chống oxy hóa quan trọng. Trên thực tế, nửa cốc mướp đắng tươi chiếm khoảng 43% lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày. Quả càng non thì càng chứa nhiều vitamin C. Mướp đắng sống chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất:

  • Vitamin A
  • Vitamin C
  • Canxi
  • Sắt
  • Thiamin (B1)
  • Riboflavin (B2)
  • Niacin (B3)
  • Folate (B9)
  • Kali
  • Kẽm
  • Phốt pho
  • Magie

Bạn có thể hấp, luộc, xào, om, ngâm chua, nhồi hoặc cà ri mướp đắng để có nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Ngoài xào trứng, xào thịt, nhồi thịt hấp, nấu canh mướp đắng với thịt, cá, còn có thể làm món gỏi tươi với xoài, cà chua và mướp đắng nướng. Hoặc nhồi mướp đắng với thịt bằm, bún và gia vị rồi nấu với nước dùng. Nấu mướp đắng với tôm trong nước cốt dừa và gia vị…

4. Lưu ý khi ăn mướp đắng thải độc gan

Nếu bạn định thường xuyên ăn mướp đắng để có lợi cho sức khỏe thì nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng vì mỗi người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác nhau hoặc đang dùng một loại thuốc có thể khiến thuốc giảm tác dụng, thậm chí không an toàn khi sử dụng. Ví dụ, mướp đắng có thể ảnh hưởng đến insulin và thuốc trị đái tháo đường.

Do khả năng hạ đường huyết mạnh mẽ nếu ăn mướp đắng hàng ngày nên một số người có thể bắt đầu gặp các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp, chẳng hạn như chóng mặt, ngất xỉu hoặc buồn nôn. Vì vậy, nên cân nhắc ăn mướp đắng 2-3 lần một tuần.

Ngoài ra, theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cần chú ý các kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, ăn khổ qua sẽ bị thổ tả, bụng đau ( theo Trấn Nam Bản Thảo). Do khổ qua tính đắng lạnh nên người bị lạnh không ăn, vì ăn người càng yếu mệt.