1. Hình ảnh và mô tả cây Sâm bố chính, Bố chính sâm, Thổ hào sâm
Sâm bố chính (danh pháp hai phần: Abelmoschus sagittifolius) là một loài thực vật có hoa trong họ Cẩm quỳ. Loài này được (Kurz) Merr. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1924
Tên khác: Bố chính sâm, Thổ hào sâm
Tên khoa học: Abelmoschus Sagittifolius (Kurz) Merr. (Hibiscus sagittifolius Kurz)
Mô tả: Cây thảo cao 0,3-1m. Rễ mập thành củ to bằng ngón tay cái màu vàng nhạt. Lá mọc so le, có cuống dài. Lá ở gốc hình bầu dục không xẻ, lá giữa và lá ngọn xẻ 5 thuỳ hình dải, cuống lá ngắn hơn phiến, có lông. Hoa màu hồng hay nâu đỏ, có pha ít màu vàng, mọc riêng lẻ ở nách lá. Quả hình trứng nhọn, có 5 mảnh vỏ phủ lông ở cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Hạt hình thận, màu nâu.
Cây ra hoa vào tháng 6-7.
Sâm bố chính
2. Thông tin mô tả Dược Liệu
Bộ phận dùng: Rễ, lá - Radix et Folium Abelmoschi Sagittifolii.
Nơi sống và thu hái: Loài cây của Nam Trung Quốc và các nước Đông dương, mọc hoang và cũng được trồng làm thuốc. Thu hái rễ vào mùa thu đông, ngâm nước vo gạo, đồ chín rồi phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt nhạt, có chất nhầy, tính bình; có tác dụng bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch; sao với gạo thì tính ấm bổ tỳ vị, giúp tiêu hoá, thêm mạnh sức. Ở Trung Quốc, người ta xem rễ, lá như có tác dụng tư âm thanh nhiệt, bài nung bạt độc.
Công dụng: Trước đây, Hải Thượng Lãn ông dùng rễ Sâm bố chính phối hợp với các thuốc khác để chữa bệnh ho, sốt nóng, gầy mòn.
Hiện nay, nhiều người dùng nó làm thuốc bổ, thông tiểu tiện, điều kinh, chữa được bệnh sốt, bệnh phổi và bạch đới. Dùng ngoài lấy lá và hoa xát chữa ghẻ ngứa.
Ở Trung Quốc, rễ và lá dùng chữa lao phổi, ho do phổi khô, sản hậu tiện bí, thần kinh suy nhược, mụn nhọt sưng lở. Ngày dùng 6-12g sắc uống, ngâm rượu hoặc tán bột uống.
Đơn thuốc:
1. Bổ khí huyết: Sâm bố chính 30g, Hồi dầu 12g, Hoài sơn, Đương quy, Ý dĩ sao, đều 15g, sấy khô, tán bột làm viên với mật ong hay mạch nha, uống mỗi ngày 15-20g.
2. Người suy nhược gầy yếu, khô khát, táo bón, đái són: Sâm bố chính nấu thành cao, hoà với sữa người hay cao ban long uống.
3. Bạch đới: Rễ Sâm bố chính giã nhỏ và nấu với Gạo nếp ăn.
3. Cách ngâm rượu sâm bố chính theo dân gian:
Bình ngâm rượu, Bình thủy tinh không vòi nhựa, không chì, bình gốm đất nung Việt Nam là tốt nhất kích thước bình tùy vào số lượng bạn muống ngâm.
Nguyên liệu sâm: Sâm tươi đã làm sạch, rửa lại bằng rượu trước khi cho vào bình.
Rượu: Rượu nấu gạo tẻ hoặc rượu nếp cổ truyền nhiệt độ tốt nhất là 30 -35 độ
Thời hạn sử dụng: thông thường thì sau 3 tháng là ngon nhất
Chú ý: Rượu tốt nhất đã được khủ độc bằng bình gốm đất nung trước khi ngâm sâm. Ngâm kèm thân và lá rượu sẽ ngon hơn
Lưu ý: Sâm bố chính được trồng trong thùng xốp, trong chậu cây cảnh, bì cát thường là thiếu chất, hoặc người trồng chăm sóc bằng Lân Đạm không tốt khi sử dụng
Củ Sâm Bố Chính tươi
4. Kiêng kỵ và Lưu ý
Thể trạng hư hàn phải tẩm nước gừng, sao kỹ.
Sâm bố chính ngoài loại hoa đỏ còn có loại hoa màu vàng (Có tên khoa học Hibiscus sagittifolius Kurz var. septentrionalis Gagnep).
Công dụng, tác dụng chữa của loại này cũng như loại hoa đỏ.
- Tên bố chính vì một y gia Việt Nam sử dụng cây này lần đầu tiên ở huyện Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình.
- Lúc đầu sâm bố chính chỉ dùng để chỉ rễ một cây cùng loại nhưng nhỏ, có rễ nhỏ, còn loại ta đang dùng thường gọi là sâm thổ hòa nhưng nay đã quen gọi là Sâm Bố Chính.
- Tên thổ hào vì mọc ở Thổ Hào (Nghệ An)
- Sâm báo vì mọc ở núi Báo Thanh Hóa
- Khi sấy sâm không nên để nhiệt độ cao quá 40 độ C
- Việc cạo vỏ ngoài tốn nhiều công phu quá cho nên năm 1940, Viện nghiêm cứu cây thuốc ViLar Liên Xô cũ có nghiên cứu so sánh và đi tới kết luận là không cần thiết cạo vỏ mỏng.
5. Đơn thuốc có dùng cây Sâm Bố chính
Chữa sốt nóng gây hóa khát: Sâm bố chính 20g, Thục địa 30g, Nhục quế 3g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
Chữa kinh nguyệt rối loạn: Sôm bố chính 15g, Cỏ nhọ nồi 20g, Thục địa 20g, Ngải cứu 16g, Ích mẫu 16g, rễ củ Gai 20g, củ Gấu tứ chế 10g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
Chữa tim đạp nhanh, mất ngủ: Sâm bố chính 20g, củ Mài, hạt Sen, Hà thủ ô đỏ chế, quả Dâu chín, Long nhãn mỗi vị 12g; Tóa nhân 10g, Bá tử nhân 10g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
Chữa đau lưng, di mộng tinh, dương sự kém: Sâm Bố Chính 20g, Đỗ trọng 12g, Cẩu tích 12g, Thỏ ty tử 10g, Xa tiền tử 10g, Liên nhục (Hạt sen) 16g, Hà thủ ô đỏ chế 12g, Củ súng 12g, Cam thảo bắc 4g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
Chữa bạch đới (do tỳ hư): Sâm Bố chính 20g, Bạch truật thổ sao 12g, rễ củ Gai 16g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
Chữa hư nhược, gầy yếu, đoản khí: Sâm Bố chính 20g, Hoàng kỳ chích mật 20g, Hoài sơn (củ Mài) sao vàng 20g, Bạch truật 12g, Cam thảo bắc 8g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
Chữa thiếu máu: Sâm bố chính 20g, Quy thân 12g, Hà thủ ô đỏ 12g, Long nhãn 12g, quả Dâu chín 12g, hạt sen 12g, cam thảo dây 8g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
- Sâm Bố chính , Hà thủ ô, Hạt sen mỗi vị 100g; Cam thảo 40g, Thảo quả 12g, Đại hồi 8g. Tất cả đem tán nhỏ, luyện mật thành viên, ngày uống 20g chia 2 lần.
Chữa trẻ em gầy còm, xanh xao, hoặc ỉa lỏng, lỵ kéo dài: Sâm Bố chính 25g, Củ mài sao chín 30g, hạt Bo bo sao chín 20g, Hạt sen 15g, nam Bạch chỉ 10g. Tất cả đem sao chín, tán thành bộ mịn. Trẻ em 2 tuổi trở lên ngày uống 4 - 10g với nước đường.
Chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm dậy: Sâm Bố chính 40g, Bạch truật 12g, Hoài sơn (Củ mài) sao 16g, Hoàng kỳ chính mật 16g, Cam thảo bắc 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần.
Chữa suy nhược, người gầy rộc, hóa khát, táo bón, són đái:
- Sâm Bố chính nấu thành cao lỏng, hòa với cao Ban long. Uống hàng ngày, liên tục trong 1 - 2 tháng.
- Sâm bố chính sao gừng, Thục địa 12g, Mạch môn 10g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
Chữa suy nhược, kém ăn, mệt mỏi: Sâm Bố chính sao nước Gừng 50g, Hoàng kỳ 30g, Bạch truật 20g, Kỷ tử 16g, Thục địa 20g, Quy thân 30g, Bạch thược 20g, Bạch linh 16g, Đại táo 20g. Ngâm với 2 lít rượu trong 3 tháng. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 1 chén con 30ml.
6. Cách Trồng Và Chăm Sóc Cây Sâm Bố Chính
Sâm Bố Chính dùng chữa cơ thể suy nhược, ít ngủ, lao phổi, kém ăn, ho, viêm họng, viêm phế quản, sốt nóng, trong người khô, táo, khát nước, kinh nguyệt không đều, khí hư, đau lưng, đau mình, hoa mắt, chóng mặt.
Cách trồng và chăm sóc:
Chọn đất và làm đất: Đất tơi xốp, độ ẩm trung bình, đủ ánh sáng. Làm đất toàn diện, lên luống rộng 1,0 - 1,5m, đủ trồng 2-3 hàng với cự ly 40 x 50cm theo hình nanh sấu. Bón lót phân chuồng hoai có trộn 2% supe lân theo rạch hay theo hốc nhỏ.
Thời vụ làm đất: Cuối tháng 12, trồng vào đầu vụ xuân.
Giống: Ươm tạo cây con bằng hạt hay hom cành trên luống hoặc khay vào tháng 10 và tháng 11 để bứng trồng vào tháng 1, 2 năm sau. Nếu có đủ lượng hạt có thể gieo hạt thẳng sau khi đã xử lý bằng cách ngâm nước ấm trong 10 giờ, ủ ẩm trong túi vải khoảng 2 ngày rồi đem trộn với tro bếp và cát mịn rồi gieo theo rạch; phòng chống nấm bệnh, côn trùng gây hại và tránh mưa lớn làm gãy đổ khi cây còn non, yếu. Khi cây đã cứng cáp bứng tỉa để dặm theo mật độ mong muốn.
Chăm sóc:
- Tưới nước thời gian đầu mới trồng và khi thời tiết khô hạn.
- Làm cỏ, phá váng và diệt trừ sâu ăn lá, đề phòng gia cầm phá hoại.
- Bón thúc nước phân chuồng hoai khi cây đẻ nhánh; nếu không có nhu cầu lấy hạt giống thì nên định kỳ cắt nụ hoa để cây cho rễ củ nhiều và to.
Kỹ thuật thu hái và sơ chế:
- Thu hoạch vào mùa thu, đông.
- Đào rễ, cắt bỏ thân, cạo sạch vỏ ngoài, ngâm nước gạo một đêm, vớt ra đồ chín, phơi khô.