1. Hình ảnh cây Lục lạc lá ổi dài
2. Thông tin mô tả chi tiết cây dược liệu cây Lục lạc lá ổi dài
Lục lạc lá ổi dài - Crotalaria assamica Benth; thuộc họ Đậu - Fabaceae.
Mô tả: Cây nhỏ cao đến 4m; nhánh non có lông. Lá thon ngược, dài 6-18cm, rộng 3-5cm, có lông ở mặt dưới; lá kèm 4mm. Chùm hoa ở ngọn cao 20-35cm; cuống hoa 1cm; đài có lông mềm dày, cao 15mm; tràng hoa vàng, cánh cỡ to 2cm. Quả nang, tròn dài, dài 4-6cm, rộng 1,5-2cm, không lông; hạt to 4mm, nâu đậm, bóng.
Ra hoa tháng 7-11, có quả già tháng 9-12.
Bộ phận dùng: Toàn cây và hạt - Herba et Semen Crotalariae Assamicae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở nhiều nước Đông Nam Á như Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Philippin đến tận Hawai. Ở nước ta, từ Lào Cai, Vĩnh Phú, Quảng Ninh, Nam Hà, Ninh Bình tới Thừa Thiên- Huế đến Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc. Thu hái toàn cây vào mùa hè và thu, thu hái hạt vào mùa thu khi quả chín.
Tính vị, tác dụng: Toàn cây có vị ngọt, tính mát; có tác dụng tiêu viêm, lọc máu, hạ huyết áp, lợi tiểu. Hạt vị hơi đắng, tính ấm; có tác dụng trừ ung thư, cầm máu, sát trùng. Có sách ghi lá, hạt, rễ có tác dụng khư phong trừ thấp, chỉ huyết tiêu thũng, tiêu viêm lợi niệu.
Công dụng: Chữa sưng họng, quai bị, lỵ và điều kinh. Ở Lào, người ta dùng rễ để trị sỏi bàng quang. Ở Trung Quốc, toàn cây dùng trị ho, nôn ra máu, huyết áp cao. Có nơi dùng lá, rễ trị phong thấp đau xương, viêm niệu đạo, ngoại thương xuất huyết, cam tích. Dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Không dùng cho người có thai. Dùng ngoài trị nhọt và viêm mủ da. Hạt dùng trị ung thư da, ung thư cổ tử cung, giã thành bột và đắp vào chỗ đau,
Đơn thuốc: Ở Trung Quốc:
1. Huyết áp cao: Rễ tươi của Lục lạc lá ổi dài 60g hầm với thịt lợn chia làm hai lần ăn.
2. Ung thư da: Hạt Lục lạc giã thành bột, sát trùng thêm dung dịch muối và đắp vào chỗ đau ngày một lần.
3. Mụn nhọt và viêm mủ da: Lá tươi của Lục lạc giã nát, thêm mật ong và đắp vào chỗ đau.