Thưở xưa khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại thuộc Ấn Độ, có một vị Bà la môn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Sau khi bố mẹ qua đời, làm xong bổn phận của một người con, vị này xuất gia tu hành trong núi tuyết. Hằng ngày ông lượm các loại rễ và củ, trái cây rừng cùng các loại thực phẩm khác để ăn và nuôi sống thân thể. Không bao lâu ông đạt được thắng trí và các thần thông, vui thích trong thiền lạc.
Sống một thời gian dài như vậy, sau đó ông nghĩ “Ta sẽ đi vào đường của dân chúng dùng muối và dấm, như vậy thân của ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Và ta sẽ đi bộ, những người cúng dường thức ăn sẽ đảnh lễ một người giữ giới như ta. Vì thế sau khi mạng chung những vị đó sẽ được sanh lên thiên giới”. Nghĩ như vậy rồi, vị ẩn sĩ đi bộ xuống núi, ngang qua vườn ngự uyển của cung vua. Nhà vua thấy dáng dấp nghiêm trang của vị ẩn sĩ thì đem lòng kính trọng và mời vào cung để cúng dường. Sau khi hỏi thăm và biết vị ẩn sĩ có ý định xuống trần gian để giáo hóa nên vua sai người cất cho vị ẩn sĩ một cái chòi lá ở trong vườn của vua.
Ngày ngày vị ẩn sĩ thường đến cung vua để nhận thức ăn cúng dường. Được một thời gian, ở biên địa có nổi loạn nên đích thân vua phải đi đánh giặc. Trước khi đi vua dặn dò hoàng hậu ở nhà phải lo việc cúng dường cho vị ẩn sĩ này. Một hôm, vì mải nhập định nên tới giờ ăn mà vị ẩn sĩ không nhớ. Hoàng hậu đã chuẩn bị thức ăn rồi nhưng đợi mãi không thấy vị ẩn sĩ tới cho nên khoác trên mình một chiếc y để tạm nằm nghỉ. Khi ẩn sĩ xuất định, nhớ lại giờ ăn đã trễ nên dùng thần thông bay xuyên qua cửa sổ và vào trong cung vua để nhận thức ăn. Khi vào, vì ẩn sĩ mặc áo bằng vỏ cây nên phát ra tiếng động sột soạt, hoàng hậu lúc đó đang thiêm thiếp bỗng giựt mình ngồi dậy làm chiếc y bất ngờ rớt ra. Lúc bấy giờ, ẩn sĩ để các căn chi phối bởi đối tượng đặc biệt khác thường này cho nên đứng nhìn hoàng hậu như bị thôi miên. Khi đó, ác dục phiền não được chế ngự bấy lâu nay lại khởi lên mạnh mẽ, thiền định thối thất, các căn không còn thanh tịnh nữa.
Việc tu tập thiền định là cái gốc, là cái chính, còn thần thông là cái phụ, là cái có ra sau khi tu tập thiền định chứ không phải do mong cầu để được.
Trong Kinh diễn tả vị ẩn sĩ lúc đó giống như một con quạ gãy cánh, không thể ngồi xuống và ăn uống được nữa mà ôm bát về chòi lá giống như một người mất hồn. Về chòi lá, suốt một tuần liền vị ẩn sĩ không màng đến ăn uống, thức ăn bị bỏ đến thối rữa, luôn nằm mơ đến hoàng hậu và miệng thường nói nhảm. Sau khi dẹp loạn trở về, vua cũng không biết chuyện gì xảy ra cho nên vẫn rất kính trọng ẩn sĩ. Vừa về cung, vua liền chạy đến thăm vị ẩn sĩ. Khi tới nơi thấy vị ẩn sĩ đang nằm, vua mới hỏi: “Thưa tôn giả, Ngài có việc gì không ổn?”
Vị ẩn sĩ mới đáp: Thưa đại vương, tôi đã bị trúng tên.
Vua nghĩ chắc là kẻ thù không hại được vua nên tìm cách hại người thân của vua là vị ẩn sĩ, và chúng đã đến đây gây ra thương tích này. Nghĩ vậy, vua lật vị ẩn sĩ lên để tìm vết thương mà không thấy, mới hỏi: Thưa tôn giả, tên ở đâu mà tôi tìm hoài không thấy?
Ẩn sĩ nói: Thưa đại vương, không ai bắn tôi cả, chỉ có tôi tự bắn quả tim mình.
Nói xong, ẩn sĩ phấn chấn tinh thần và ngồi dậy đọc bài kệ:
Không có người bắn cung,
Phóng tên ở bên tai,
Không có tên bằng lông,
Được nhổ từ cánh lông,
Và được trang hoàng đẹp,
Bởi người làm tên khéo.
Chính là tâm của ta,
Được gột sạch tham ái,
Liên hệ với dục tầm,
Bằng quyết tâm trí tuệ.
Chính dục tạo vết thương,
Thiêu đốt khắp tay chân,
Chẳng khác gì ngọn lửa.
Ta không thấy vết thương,
Từ đấy máu rỉ chảy,
Do tâm không chân chính,
Đã đâm thủng tự thân.
Nói xong, ẩn sĩ khuyên vua ra khỏi chòi lá rồi tự mình chấn chỉnh tinh thần và nỗ lực thiền định, sau đó phục hồi được thần thông trở lại. Ẩn sĩ từ giã nhà vua trở về chỗ cũ ẩn tu. Dù cho vua cố gắng thỉnh mời ở lại nhưng vị ẩn sĩ vẫn không dám nhận lời mà bay thẳng về Tuyết Sơn, không dám trở lại đường trần nữa. Từ đó vị ẩn sĩ tu ở Tuyết Sơn cho đến lúc mạng chung.
Tu hành mà mong cầu đạt được thần thông có nghĩa là mong cầu cái ngọn, mong cầu cái phụ. Cái phụ chỉ đúng nghĩa là phụ khi và chỉ khi chúng ta đã đạt được cái chính, nghĩa là đạt được thiền định.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy ẩn sĩ này tuy là có thần thông, nhưng do tâm không chân chính, buông lung các căn khiến bị trúng tên nên mất thần thông. Như vậy, tu hành cốt ở chỗ giữ nội tâm chân chính, giữ gìn các căn thanh tịnh chứ đâu phải là cầu được thần thông? Nếu có thần thông mà tâm không chân chính, không gìn giữ, buông lung các căn thì cũng bị trúng tên độc và mất thần thông như thường.
Quý vị thấy ẩn sĩ được thần thông là do đâu? Ban đầu là do tu tập thiền định cho nên mới có thần thông. Sau khi mất rồi, muốn thần thông được phục hồi trở lại cũng nhờ tu tập thiền định. Mới thấy, việc tu tập thiền định là cái gốc, là cái chính, còn thần thông là cái phụ, là cái có ra sau khi tu tập thiền định chứ không phải do mong cầu để được.
Tu hành mà mong cầu đạt được thần thông có nghĩa là mong cầu cái ngọn, mong cầu cái phụ. Cái phụ chỉ đúng nghĩa là phụ khi và chỉ khi chúng ta đã đạt được cái chính, nghĩa là đạt được thiền định. Còn khi chưa đạt được thiền định mà cầu thần thông có nghĩa là mình bỏ cái chính mà theo cái phụ. Thành ra cái phụ lại đóng vai trò là chính đối với chính mình. Mà khi nhận cái phụ làm chính thì mình đã sai lầm và cái lầm đó sẽ gây nên bệnh, làm cho mình lầm lạc trong công phu tu hành, lọt vào đường tà chứ không thể xem thường được.
Thầy Tâm Hạnh
Theo phatgiao.org.vn