1. Cây Vối rừng, Trâm mốc - Syzygium cumini (L.) Skeels (Eugenia jambolana Lam., E. cumini (L.) Druce), thuộc họ Sim- Myrtaceae.
Trâm mốc hay trâm vối hay vối rừng (Tên khoa học: Syzygium cumini) là cây thường xanh nhiệt đới thuộc chi Trâm, bản địa của Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Sri Lanka và Indonesia. Cây cũng có mặt ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hình ảnh Lá và quả chín cây Trâm mốc hay trâm vối hay vối rừng
2. Thông tin mô tả chi tiết Dược Liệu Vối Rừng
Mô tả: Cây gỗ lớn. Lá bầu dục, tròn hay hơi thót nhọn ở gốc, tù, có mũi hay xoan ngược, rất tù ở đầu, dài 8-10cm, rộng 3-9cm, bóng và sẫm ở trên, nhạt màu hơn ở dưới, mỏng nhưng cứng, có điểm tuyến; cuống lá dài 10-20mm. Hoa thành cụm hoa dạng tháp, gần như không cuống, dài 5cm, ở nách các lá đã rụng. Quả thuôn hay hơi cong, dài 13-15mm, dày 10mm, thắt lại dưới chỗ lõm ở đỉnh, màu tím tối, nạc màu xanh - vàng tới tím, thường không mùi, hơi se, chua. Hạt 0-5, thuôn dài tới 3,5cm, màu xanh tới nâu.
Hoa tháng 3-5.
Bộ phận dùng: Quả, vỏ thân, lá - Fructus, Cortex et Folium Syzygii Cuminii.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố khắp Á châu nhiệt đới, Úc châu. Ở nước ta cây mọc nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Cũng thường được trồng lấy quả ăn.
Thành phần hóa học:
- Trong 100g phần ăn được của quả chứa: nước 84-86g, protein 0,2-0,7g, lipit 0,3g, carbohydrat 14-16g, xơ 0,3-0,9g, tro 0,4-0,7g, calcium 8-15mg, phosphor 15mg, sắt 1,2mg, riboflavin 0,01mg, niacin 0,3mg, vết của vitamin A và thiamin, vitamin C 5-18mg.
- Hạt chứa glucosid jambolin, acid ellagic và tanin (19%) acid gallic, chlorophyll, dầu béo, tinh bột, nhựa, đường và vết dầu.
- Vỏ chứa tanin (10-12%), acid gallic, nhựa, tinh bột và protein nhưng không có alcaloid hay glucosid.
- Hạt khô chứa 95% alcohol cho một chất có tác dụng làm giảm glucoza huyết.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, chát, tính bình, có tác dụng nhuận phế chỉ khái, bình suyễn.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả bằng quả ôliu, có màu tía, hạch xanh. Vỏ quả nhẵn, mỏng, bóc dễ dàng. Thịt đo đỏ. Quả có vị chua chua.
Ở Campuchia, người ta thường bán và cho là thuộc loại quả ngon trong các loại Roi, mận,...
Ở Ấn Độ, dịch quả dùng chế giấm có vị dễ chịu, dùng ăn lợi tiêu hóa, lợi trung tiện và lợi tiểu.
Vỏ tươi của thân màu xám hay nâu nhạt, bề mặt hơi nứt và nhám, khi cắt thì nhựa cây tiết ra, hơi nhớt, có mùi chua, vị se. Khi khô, vỏ cây có màu đỏ và có thớ ở trong. Người ta dùng riêng loại vỏ này hoặc phối hợp với các loại chất làm se khác sắc nước uống hay nước súc miệng. Dịch cây tươi lẫn với sữa Cừu dùng trị ỉa chảy cho trẻ em.
Hạt dùng dưới dạng bột để trị bệnh đái đường. Nó làm giảm lượng nước tiểu, làm tiêu hao đường trong nước tiểu sau 18 giờ và trong thời gian điều trị, vẫn có thể ăn các loại chất bột mà không gây thương tổn.
Lá cũng có thể nấu nước uống như lá Vối, giúp tiêu hóa tốt. Dịch ép lá, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc se khác dùng để trị lỵ.
Ở Philippin, nước sắc vỏ có tính làm se. Lá ngâm trong rượu và hạt tán thành bột, cả hai đều được dùng chữa bệnh đái đường. Quả nấu thành mứt đặc, dùng trong bệnh ỉa chảy cấp tính và bệnh lỵ.
Ở Trung Quốc, các bộ phận của cây dùng trị lao phổi, suyễn khan có tính hàn, suyễn khan dị ứng; có nơi dùng trị tiêu hóa không bình thường và lỵ.