Y học cổ truyền coi các chứng đau nhức xương khớp thuộc phạm trù chứng Tý. Tý là kinh mạch, khí huyết không thông, tắc nghẽn, gây đau.
Các bài thuốc chữa đau nhức xương khớp đều tập trung làm hoạt huyết, thông mạch, bồi bổ can thận, khí huyết, từ đó các chứng đau nhức thuyên giảm.
Gà ác chưng táo tàu giúp giảm đau nhức xương khớp
- Nguyên liệu: Gà ác 1 con, táo tàu đen 10 quả, hoài sơn 15g, câu kỷ tử 10g, ý dĩ 15g, gia vị vừa đủ.
- Cách chế biến: Làm gà sạch, bỏ bộ lòng; hành tím 2 củ bóc vỏ nướng chín; ý dĩ ngâm nở rửa sạch; các vị khác rửa sạch để ráo. Đặt gà ác vào thố (vật đựng thức ăn bằng sành sứ, có nắp đậy), cho các vị thuốc vào, đổ nước vừa đủ, chưng cách thủy khoảng 1,5 giờ. Nêm bột gia vị, thả hành tím vào, chưng thêm 30 phút nữa. Lấy thịt gà ra, rắc hạt tiêu, ăn nóng.
- Cách dùng: Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn 7-10 ngày.
- Tác dụng: Kiện tỳ bổ thận, chữa xương khớp tê, đau nhức.
Gà hầm đương quy
- Nguyên liệu: Gà 1 con nhỏ, đương quy 15g, xuyên khung 4g, ngưu tất bắc 6g, thăng ma 4g, ý dĩ 12g, hành lá, gừng, rượu trắng, bột gia vị vừa đủ.
- Cách chế biến: Gà làm sạch, bỏ bộ lòng. Tất cả các vị thuốc cho vào bát to cùng với hành giã nhuyễn, gừng cắt sợi, cho bột gia vị vào trộn đều, thêm ít rượu. Tất cả cho vào bụng gà, may kín lại, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm khoảng 2 giờ. Thả hành lá đã cắt khúc, rắc tiêu. Ăn nóng.
- Cách dùng: Cách ngày ăn 1 lần, liên tục 7 lần.
- Tác dụng: Chữa suy nhược cơ thể, bổ máu, huyết áp thấp, cảm nhiễm phong hàn thấp khí, xương khớp đau nhức.
Cháo cá trê, đậu đen
- Nguyên liệu: Cá trê 400g, gạo nếp 200g, đậu đen xanh lòng 200g, ý dĩ 20g, trần bì 1 miếng; bột gia vị, hành tím 4 - 5 củ, mùi ta, tiêu bột vừa đủ.
- Cách chế biến: Đậu đen ngâm qua đêm cho nở, rửa sạch. Cá trê rửa sạch với nước chanh muối vài lần rồi để ráo. Trần bì ngâm nước 15 phút, rửa sạch bỏ lớp trắng. Gạo nếp, ý dĩ vo sạch. Hành tím nướng chín bóc vỏ sạch. Gạo nếp, cá, đậu đen, trần bì, ý dĩ cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo. Khi đậu và gạo nếp chín nhừ thì thêm bột gia vị và củ hành tím đã nướng chín vào. Nấu thêm khoảng 10 phút, nếm vừa miệng là được. Trước khi ăn cháo, rắc bột tiêu và rau mùi ta cắt nhỏ vào bát.
- Tác dụng: Bồi bổ thận dương, thông huyết, chữa tay chân nhức mỏi, hoa mắt, ù tai, chóng mặt.
Chả lá lốt
- Nguyên liệu: Thịt lợn vai 300g, lá lốt 20 - 30 lá, hành, hạt tiêu, gia vị đủ dùng.
- Cách chế biến: Thịt rửa sạch xay nhuyễn, lá lốt cắt cuống rửa sạch để ráo lấy một phần thái chỉ. Đem thịt, lá lốt (thái chỉ) ướp cùng hành, tiêu, gia vị đủ dùng. Trải úp từng lá lên một mặt phẳng (có thể dùng mặt thớt), xúc phần thịt xay vào giữa, cuộn tròn lại. Cho dầu vào chảo, để lửa nhỏ cho tới khi dầu nóng. Cho chả vào rán nhỏ lửa cho tới chín vàng đều, xếp vào đĩa đem ra ăn nóng với bún hoặc cơm.
- Cách dùng: Có thể ăn hằng ngày.
- Tác dụng: Bài thuốc có tác dụng tư bổ can thận, ôn trung, tán hàn, thông kinh hoạt lạc, hành khí chỉ thống (giảm đau). Thích hợp cho những người mắc chứng tê bại chân tay, sưng đau các khớp, hạn chế vận động do phong thấp, kể cả gout. Ngoài ra, mõn ăn còn có hiệu quả với các chứng bệnh như: Yêu cước thống (đau lưng lan xuống chân), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn, đầy hơi, khó tiêu, cảm lạnh, sợ lạnh, lạnh tứ chi, huyết áp thấp, hay đổ mồ hôi chân…
Thịt trâu xào lá lốt
- Nguyên liệu: Thịt trâu loại một 300g, lá lốt 50g, tỏi, gừng hành nước mắm, mì chính vừa đủ, rượu 1 ly nhỏ.
- Cách làm: Thịt trâu rửa sạch, thái lát mỏng, ướp với hành, gừng, tỏi, mì chính, nước mắm ngon và rượu. Lá lốt rửa sạch thái ngắn. Phi tỏi cho thơm, cho thịt trâu đã ướp gia vị vào xào nhanh tay, cho lá lốt vào xào tiếp trên lửa to, nêm gia vị thêm một lát là được, ăn nóng cùng với cơm.
- Cách dùng: Dùng 3 - 4 lần một tuần.
- Tác dụng: Giảm đau nhức xương khớp thể phong hàn. Người bệnh đau nhức trong xương, chủ yếu là hai chi dưới, khi gặp gió lạnh đau tăng lên, chân bên đau cảm giác lạnh, đau nhức kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, cơ thể suy nhược, ăn uống kém, hạn chế vận động