Chứng bệnh ảnh hưởng đến vẻ đẹp
- Khí hư: "Khí" chỉ chức năng sinh lý của cơ thể. Người thể tạng "khí hư" thường là béo phì hoặc có khi gầy gò; leo cao một chút là thở gấp, bồn chồn, trống ngực; hoạt động hơi nặng đã mệt lả, người vã mồ hôi; da mặt vàng sạm hoặc trắng nhợt, tóc thưa, khô, vàng và dễ rung.
- Huyết hư: Người thể tạng "huyết hư" (huyết dịch hư tổn) thường hay bị chóng mặt, đánh trống ngực, bồn chồn, mất ngủ, mặt trắng nhợt, mắt khô, thị lực giảm hoặc quanh mắt có quầng thâm, tóc khô dễ gãy, lông mọc chậm và dễ rụng; da khô và nhiều nếp nhăn, da ngứa, da bong vẩy...
- Thận hư: "Thận" là 1 trong 5 tạng. Tạng "Thận" trong Đông y không phải là 2 quả thận trong giải phẫu sinh lý hiện đại, mà là "một hệ thống" bao gồm những chức năng như nội tiết, sinh dục, tiết niệu, hô hấp... Đông y cho rằng, thận là "gốc" của sự sinh trưởng và phát dục. Tạng thận thịnh hay suy (khỏe mạnh hay suy yếu) có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể; bao gồm cả sự hoạt động của ngũ tạng lục phủ, vẻ đẹp của da thịt, lông, tóc và răng. Sử dụng hợp lý thuốc Đông y, có tác dụng điều hòa khí huyết, bổ ích tạng phủ, phòng trị bệnh tật và tu bổ những khuyết điểm về mặt thẩm mỹ.
Khắc phục hư tổn để giữ gìn vẻ đẹp
Bài thuốc 'bổ khí'
Có thể dùng 1 trong 2 bài thuốc sau đều có công dụng bồi bổ khí huyết:
Bài 1: Bạch truật 30g, phục thần 30g, hoàng kỳ 30g, long nhãn 30g, toan táo nhân (sao đen, bỏ vỏ), nhân sâm 9g, mộc hương 15g, cam thảo (sao) 9g, đương quy 9g, viễn chí 6g.
Tất cả đem tán thô, trộn đều, cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi ngày dùng 12g bột thuốc, thêm 5 lát gừng tươi, 3 trái táo tàu, với 500ml nước, sắc nhỏ lửa còn 300ml, (bỏ bã) chia ra uống trong ngày.
Cũng có thể giảm liều lượng tất cả các vị thuốc trong bài thuốc 3 lần, thêm gừng tươi 5 lát, táo tàu 3 quả, sắc nước uống thay trà trong ngày.
Bài 2: Nhân sâm 8g, long nhãn 20g, thịt gà mái 250g.Tất cả đem hầm chín, thêm gia vị cho vừa miệng, dùng làm thức ăn trong bữa cơm hàng ngày; mỗi tuần ăn 2-3 lần.
Bài thuốc bổ thận
Để bổ thận, có thế dùng 1 trong 2 bài thuốc sau đều có công dụng tư âm bổ thận:
Bài 1: Thục địa hoàng 8 lạng, trạch tả 3 lạng, sơn thù nhục 4 lạng, sơn dược 4 lạng, phục linh 3 lạng.
Cách dùng: Các vị (trừ thục địa) sao giòn tán mịn. Thục địa nghiền tinh (nghienf bột mịn) và mật chưng trộn đều với bột thuốc, hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 gam, uống lúc đói.
Bài 2: Thục địa 8 lạng, sơn dược 4 lạng, câu kỷ tử 4 lạng, sơn thù du 4 lạng, ngưu tất 3 lạng, thỏ ty tử 4 lạng, lộc giác giao 4 lạng, quy giao 4 lạng.
Cách dùng: Sơn dược sao. Các vị sơn dược, câu kỷ tử, sơn thù nhục, thỏ ty tử tán mịn tinh; thục địa chưng, nghiền tinh; ngưu tất tẩy rượu, chưng nhừ, nghiền tinh; lộc giác giao, quy giao cùng với thục địa và ngưu tất + mật chưng vừa đủ, trộn đều với thuốc bột hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 gam, uống lúc đói.
Theo skđs