1. Tổng quan ung thư môi
Ung thư môi là sự phát triển ngoài tầm kiểm soát của các tế bào bất thường và hình thành nên những tổn thương hoặc khối u trên da môi. Hầu hết các bệnh ung thư môi là ung thư biểu mô tế bào vảy, đây cũng là một nhóm bệnh nằm trong ung thư khoang miệng. Trong phác đồ điều trị bệnh thì phẫu thuật luôn là phương án được xét đến đầu tiên, cũng là phương pháp quyết định thời gian sống thêm, cũng như giảm tỷ lệ tái phát của bệnh.
2. Nguyên nhân ung thư môi và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư môi trong đó nhiều quan điểm cho rằng việc hút thuốc lá có nguy cơ cao đối với ung thư môi. Các nghiên cứu cho thấy thuốc lá chứa trên 40 hóa chất độc hại gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm, bao gồm cả ung thư vòm họng, phổi và ung thư môi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chế độ ăn uống nghèo nàn thiếu các dưỡng chất như: selen, sắt, vitamin A,C,E, acid folic,… trong thời gian dài cũng là nguyên nhân đối diện với nguy cơ cao mắc bệnh ung thư môi.
Tương tự như việc vệ sinh răng miệng kém có thể góp phần tạo ra môi trường nuôi dưỡng sự phát triển và nhân rộng của các vi khuẩn gây ung thư môi.
Nhiễm virus HPV có thể gây ung thư môi, miệng và vòm họng. Ngoài ra, những người có hệ miễn dịch suy yếu, nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư môi.
Các ghi nhận còn cho thấy thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: những người thường xuyên đi ngoài nắng trong thời điểm ánh nắng chói chang mà không áp dụng những biện pháp che chắn cẩn thận có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư da, phổ biến ở mặt, cổ vì những vùng này thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím. Một khi các tế bào ung thư da ác tính di căn thì nó sẽ dễ dàng xâm lấn đến môi và những mô xung quanh gây bệnh ung thư môi.
Môi khô, nứt nẻ, đau rát khó lành cảnh giác với ung thư môi
3. Phân biệt ung thư môi và viêm môi
Trên thực tế rất ít người nghĩ đến tình trạng mắc ung thư môi. Các biểu hiện ở môi thường nghĩ rằng chỉ là viêm nhiễm ngoài da nên chủ quan.
Ung thư môi có các biểu hiện như:
- Xuất hiện các vết loét khó lành: thông thường, những vết loét trên môi thường có dạng cục, mảng trắng ở quanh môi hoặc những vị trí gần môi xung quanh miệng.
- Màu da thay đổi: khi các tế bào ung thư môi phát triển thì vùng da môi có thể chuyển sang màu nhợt hơn hoặc đen sạm lại. Da môi có thể chuyển sang dạng thô dày hoặc xơ cứng, thậm chí có triệu chứng chảy máu ở vết loét hoặc tại vết loét không lành trên môi.
Người bệnh ung thư môi còn có cảm giác tê đau, ngứa hoặc những cảm giác bất thường trên môi không rõ lý do cũng có thể là nguyên nhân cảnh báo bệnh ung thư môi.
- Xuất hiện khối u: Những khối u này không chỉ xuất hiện trên môi mà còn có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng, cổ họng. Vì vậy, nếu sờ thấy hoặc cảm nhận hay nhìn thấy khối u ở môi hay khoang miệng, bạn nên sớm đi bệnh viện kiểm tra sinh thiết để phát hiện sớm bệnh ung thư môi.
- Sưng hàm: Có một vị trí nào đó trong xương hàm bị sưng to, khiến cho gương mặt bị lệch bất thường. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư môi còn có triệu chứng: răng đột nhiên bị lung lay, rụng răng bất thường, cảm giác nhai nuốt khó khăn hơn…
Cảm giác tê đau, ngứa hoặc những cảm giác bất thường trên môi không rõ lý do cũng có thể là nguyên nhân cảnh báo bệnh ung thư môi.
- Sưng hạch: Bệnh ung thư môi thường di căn đến vùng hạch cổ gần đó, do đó, nếu hạch cổ đột ngột bị sưng to, không đau, ít động, cứng chắc nên tiến hành chụp CT để kiểm tra xem có tế bào ung thư di căn hay không.
- Sụt cân: Sự phát triển của khối u ở môi, người bệnh sẽ có cảm giác chán ăn, khó nuốt do khối u chèn ép, dẫn tới cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sụt cân nhanh. Đồng thời, vì để cung cấp năng lượng cho khối u phát triển nên cơ thể người bệnh thường bị thiếu máu, yếu ớt, dễ bị nhiễm trùng, sốt nhẹ.
Trong khi đó viêm môi là bệnh lý ngoài da khá phổ biến và triệu chứng như đỏ, sưng, teo, nứt, đóng vảy, bong vảy, nóng và đau rát... Viêm môi có thể do ánh sáng, do dị ứng tiếp xúc, do thuốc... nhưng cũng có thể viêm môi là triệu chứng của một bệnh nào đó như lupus ban đỏ, dày sừng actinic, lichen... Viêm môi nhiễm trùng chủ yếu do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra. Trong đó, một số loại gây viêm môi vùng mép có thể là cấp hoặc mạn tính với biểu hiện phù nề, sưng đau, nứt, bong vảy, ngứa môi.
Tuy nhiên, nếu môi xuất hiện các vết loét khó lành, màu da thay đổi… cần đi khám để được tư vấn và chẩn đoán.
Cảm giác tê đau, ngứa hoặc những cảm giác bất thường trên môi không rõ lý do cũng có thể là nguyên nhân cảnh báo bệnh ung thư môi.
4. Chẩn đoán và điều trị ung thư môi
Ngoài việc khám lâm sàng các bác sĩ còn tiến hành sinh thiết làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định bệnh. Kèm theo đó là các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như MRI, CT Scaner, xạ hình xương… nhằm giúp chẩn đoán giai đoạn bệnh, hỗ trợ quá trình điều trị.
Về điều trị ung thư môi cũng như các loại ung thư khác. Tùy thuộc vào cá nhân, mức độ và từng giai đoạn mà các bác sĩ chỉ định hợp lý. Phương pháp chính điều trị ung thư môi là phẫu thuật, xạ trị bổ trợ, hóa chất.
Tóm lại: Ung thư môi là một trong những ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện ra bệnh từ sớm, tránh được nguy cơ bệnh phát triển quá nghiêm trọng. Kết quả điều trị sẽ cao hơn rất nhiều so với những loại ung thư nằm bên trong cơ thể con người. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng có khả năng là do ung thư môi thì người bệnh cần tìm tới các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ sớm nhất có thể.
Tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng các loại thuốc chống viêm thông thường hoặc các mẹo dân gian không được kiểm chứng, tránh gặp phải các tác dụng phụ không đáng có hoặc thậm chí khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn.
Theo skđs