LỜI MỞ ĐẦU
Dược liệu đóng vai trò quan trọng trong việc chữa bệnh của con người từ xa xưa.Dược liệu được khái niệm là nguyên liệu dùng để làm thuốc, có nguồn gốc tự nhiên từ thực vật, động vật và có thể là khoáng vật. Những loại dược liệu này cần đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình làm thuốc. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có đến 80% dân số trên toàn cầu sử dụng nguồn thuốc chủ yếu từ tự nhiên.
Dược phẩm được bào chế từ các loại dược liệu được chia thành 3 nhóm chính, bao gồm thuốc trong y học cổ truyền, thuốc trong y học hiện đại và thực phẩm chức năng. Theo đó, thuốc trong y học cổ truyền được báo chế theo thang, hoàn,…thuốc trong y học hiện đại được bào chế thành viên nén, thuốc tiêm,…
Theo thống kê của Viện Dược liệu, dược liệu Việt Nam hiện có trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật, 75 loại khoáng vật. Một số loại dược liệu quý có thể kể đến như sâm Ngọc Linh, Tam thất Hoàng, Bách hợp,….
Theo báo cáo của Cục quản lý Dược, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 60.000 –80.000 tấn dược liệu khác nhau. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có đến hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập, 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 đơn vị hành nghề y học cổ truyền tư nhân,…
Dược liệu đóng một vai trò quan trọng trong việc tồn tại và phát triển của ngành Y Dược, đặc biệt là nền y học cổ truyền. Thực tế, các loại thuốc tự nhiên đã được chứng minh sử dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả, mang đến tác dụng điều trị rất tốt.
Bên cạnh các loại thuốc được tổng hợp từ hóa dược nền y học hiện đại thì dược liệu cũng được đánh giá cao trong việc chữa các bệnh như ung thư, một số bệnh mãn tính khác.
Một số hoạt chất như quinin, morphin, emetin,… phải được chiết xuất từ dược liệu, không thể tạo được từ các chất hóa học. Việc kết hợp dược liệu với các hóa dược cũng giúp hiệu quả sử dụng thuốc tăng lên rất nhiều.
Do đó từ cổ xưa, ông cha ta đã sử dụng dược liệu vào việc chữa bệnh nên có thể nói dược liệu đóng một vai trò rất quan trọng, không thể phủ định trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người.
Vì vậy, để có cái nhìn tổng quát về ngành hàng cây dược liệu trên thế giới và Việt Nam, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại đã thực hiện báo cáo nghiên cứu ngành hàng dược liệu nhằm cung cấp về các doanh nghiệp phân phối dược liệu lớn trên thế giới cùng như tình hình sản xuất, chế biến, thương mại đối với ngành cây dược liệu của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng mạnh dạn dự báo cũng như khuyến nghị nhằm phát triển thị trường cây dược liệu bền vững và hiệu quả.
Báo cáo gồm 4 phần:
Phần I: Tổng quan về ngành hàng cây dược liệu trên Thế giới
Phần II: Tổng quan về ngành hàng cây dược liệu tại Việt Nam
Phần III. Dự báo
Phần IV: Khuyến nghị Tuy nhiên, do thời gian còn hạn hẹp và tìm kiếm nguồn thông tin còn hạn chế nên không tránh khỏi những sơ suất, sai sót do đó rất mong nhận được sự đóng góp của các chuyên gia để báo cáo được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU NGÀNH HÀNG DƯỢC LIỆU
TẢI BÁO CÁO NGHIÊN CỨU NGÀNH HÀNG DƯỢC LIỆU
TẢI BÁO CÁO NGHIÊN CỨU NGÀNH HÀNG DƯỢC LIỆU