1. Hình ảnh cây Đại bi hay từ bi xanh (danh pháp hai phần: Blumea balsamifera)
Mô tả: Cây nhỏ, cao khoảng 1-3m, thân phân cành ở phía ngọn, nhiều lông. Lá mọc so le, phiến lá có lông, mép có răng cưa hay nguyên. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Quả bế có lông. Toàn cây có mùi thơm của Long não.
Cây ra hoa tháng 3-5, có quả tháng 7-8.
Cây Đại Bi
2. Thông tin mô tả Dược Liệu
Bộ phận dùng: Lá, cành non, rễ và mai hoa băng phiến- Folium, Ramalus, Radix et Camphora Blumeae.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ, Malaixia, mọc hoang, phân bố rộng rãi khắp các vùng núi ở độ cao dưới 1000m, ở trung du và cả ở đồng bằng, thường gặp ven đường, quanh làng, trên các savan, đồng cỏ. Cũng được trồng bằng cành hay rễ để lấy lá. Có thể thu hái lá quanh năm, chủ yếu vào mùa hạ. Thu hái toàn cây vào mùa hạ và thu, dùng tươi, hoặc phơi hay sấy khô. Có thể dùng lá non và búp để chưng cất rồi cho thăng hoa thành Mai hoa băng phiến (Long não Ðại bi).
Thành phần hoá học: Lá chứa 0,2-1,88%, tinh dầu và mai hoa băng phiến. Tinh dầu chứa d-borneol, L-camphor, cineol, limonen, acid palmitic, acid myristic. Còn có sesquiterpen alcol. Thành phần chính của mai hoa băng phiến là borneol; đó là một chất có tinh thể óng ánh và trắng như hoa mai, do đó mà có tên như trên.
Tính vị, tác dụng: Ðại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm; có tác dụng khu phong, tiêu thũng, hoạt huyết, tán ứ. Ở Ấn Độ, người ta cho rằng nước hãm lá có thể làm toát mồ hôi, nước sắc lá bổ phổi và toàn cây có độc với cá. Mai hoa băng phiến có vị cay the đắng, mùi thơm nồng, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, tiêu đờm, sát trùng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị 1. Thấp khớp tạng khớp, dòn ngã tổn thương, sản hậu đau lưng; 2. Ðau bụng sau khi sinh, đau bụng kinh; 3. Cảm mạo, đau dạ dày do lạnh, ỉa chảy. Dùng ngoài chữa vết thương chấn thương, đinh nhọt, viêm mủ da, ngứa da. Ở Ấn Độ, người ta dùng Ðại bi làm thuốc chữa trạng thái tâm thần bị kích thích, chữa chứng mất ngủ và bệnh huyết áp cao. Liều dùng 6-12g lá, 15-30 g rễ hoặc toàn cây sắc uống. Dùng ngoài lấy lá giã đắp hoặc nấu nước tắm. Có thể làm thuốc ngâm rượu để xoa bóp chỗ đau.
Ðơn thuốc:
1. Chữa cảm mạo, ho, sốt nóng dùng 5-12g lá Ðại bi nấu nước uống. Có thể nấu nước xông, dùng riêng hay phối hợp với các loại lá khác có tinh dầu.
2. Thấp khớp tạng khớp, dùng rễ Ðại bi, Kê huyết đằng mỗi vị 30g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống.
3. Ðau bụng kinh, dùng rễ Ðại bi 30g, ích mẫu 15g sắc uống.
4. Chữa lòi dom: Lá Ðại bi giã nát với lá Câu đằng, đắp.
5. Chữa ghẻ: Lá Ðại bi tươi và lá Hồng Bì dại, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát lấy nước đặc bôi.
6. Chữa ho: Lá Ðại bi 200g, lá Chanh 50g, rễ Cà gai leo 100g, rễ thuỷ xương bồ 100g, củ Sả 100g, Trần bì 50g, tất cả phơi khô, cắt nhỏ nấu với nước 2 lần để được 700ml dung dịch, lọc, rồi thêm 300ml xi rô để được 1 lít cao. Ngày uống 40ml, chia làm 2 lần.
7. Chữa bị ngất, hôn mê: Mai hoa băng phiến xát vào chân răng.
8. Chữa bệnh chân răng thối loét: Mai hoa băng phiến và phèn phi với lượng bằng nhau, rắc vào chỗ đau.
Thông thường ta hay dùng nấu chúng với lá Sả, lá Bưởi, lá Cam làm nước xông cho ra mồ hôi. Người ta giã lá đắp ở thái dương cho đỡ nhức đầu hoặc lá nhét vào lỗ mũi khi bị chảy máu cam.
3. Điều tra tính đa dạng sinh học cây đại bi (Blumea balsamifera (L.) DC.) cho nguồn borneol ở miền Bắc Việt Nam
Trần Thị Oanh, Trần Văn Ơn, Nghiêm Đức Trọng
Tóm tắt
Đại bi là một cây thuốc mọc khá rộng rãi ở Việt Nam cũng như một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ .... Thành phần chính của mai hoa băng phiến là borneol và camphor, trong đó borneol được xác định là an toàn có xu hướng được sử dụng thay cho borneol tổng hợp (được xác định là có độc tính). Tuy nhiên, thành phần và hàm lượng của chúng thay đổi tuỳ theo nguồn gen và vùng địa lý, như mai hoa băng phiến ở Trung Quốc chủ yếu chứa borneol, trong khi đó mai hoa băng phiến ở Myanmar lại có tỷ lệ là camphor (tới 75%), borneol chỉ chiếm 25%. Ở Việt Nam, đã có nghiên cứu cho thấy tỷ lệ borneol còn dao động lớn hơn, từ 5,70% đến 57,82%. Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu: Xác định tính đa dạng sinh học của cây đại bi (Blumea balsamifera) ở phía Bắc Việt Nam; Xác định thành phần và hàm lượng các chất trong tinh dầu của một số giống cây đại bi.
Phương pháp nghiên cứu
Mẫu nghiên cứu: Tổng cộng có 5 mẫu được thu hái ngẫu nhiên ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam, bao gồm Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Thái Nguyên. Các mẫu lá và cành non để phân tích hàm lượng và thành phần tinh dầu đều đuợc thu thập trong cùng thời vụ. Phân tích đặc điểm hình thái: Các cơ quan dinh dưỡng (thân, lá) và cơ quan sinh sản (hoa). Phân tích DNA từ lá non đại bi được phân lập theo phương pháp CTAB có cải tiến. Thành phần và hàm lượng DNA được kiểm tra trên agarose gel (1,0%). Định lượng tinh dầu đại bi bằng phương pháp cất kéo hơi nước. Phân tích thành phần tinh dầu và xác định hàm lượng borneol bằng phương pháp sắc kí khí kết hợp khối phổ (GC/MS) tại Viện Pháp y Quân đội.
Kết quả: Đã xác định 5 mẫu đại bi (Blumea balsamifera (L.) DC.) ở 4 địa phương là Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Thái Nguyên gồm 3 nhóm chính, trong đó có 1 nhóm cho hàm lượng borneol cao, từ 79,85 - 82,23 %. Hàm lượng borneol cao có thể liên quan đến DNA. Nghiên cứu này cung cấp thông tin hữu ích làm căn cứ để lựa chọn các giống đại bi để khai thác và đưa vào trồng trọt lấy borneol.
4. Ðại bi, Từ bi xanh - Blumea balsamifera (L.) DC, thuộc họ Cúc - Asteraceae.