1. THIẾN THẢO (Radix rubiae cordifliae)
Thiến thảo còn gọi là Tây thảo, Thiến căn, Huyết kiến sầu, Hoạt huyết đan, Địa huyết là rễ phơi hay sấy khô của cây Thiến thảo Rubia cordifolia L. dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách " Bản kinh". Cây Thiến thảo thuộc họ Cà phê ( Rubiaceae) mọc hoang dại ở vùng núi cao mát như Sapa, Nghĩa lộ Lai châu. Ở Trung quốc cây thuốc mọc nhiều ở các tỉnh Thiểm tây, Hà nam, Hà bắc, An huy, Sơn đông... thường được đào rễ vào mùa thu đông để chế biến làm thuốc.
Tính vị qui kinh:
Vị đắng, tính hàn. Qui kinh Can.
Theo các Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: Vị khổ hàn.
- Sách Danh y biệt lục: mặn, bình không độc.
- Sách Bản thảo cương mục: khí ôn vị hơi chua mà mặn, qui kinh thủ, túc quyết âm phần huyết.
- Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc quyết âm, thủ túc thiếu âm.
- Sách Bản thảo tân biên: nhập 2 kinh tỳ vị.
Thành phần chủ yếu:
Purpurin. pseudopurpurin, alizarin, manjistin, purpuroxanthin, rubiadin, glucoza.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Thuốc có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, hoạt huyết khu ứ. Chủ trị các chứng xuất huyết do nhiệt, huyết ứ kinh bế, chấn thương ngoại khoa, đau nhức khớp.
Trích đoạn Y văn cổ:
Sách Bản kinh: "chủ phong thấp, phong tý, hoàng đản, bổ trung."Sách Danh y biệt lục: " chủ chỉ huyết, nội băng, hạ huyết, bàng quang bất túc, sâu độc cắn. Uống lâu ích tinh khí khỏe người.."Sách Dược tính bản thảo: "trị lục cục thương tâm phế, thổ huyết, tả huyết."Sách Nhật hoa tử bản thảo: "chỉ ty hồng, đái hạ, sản hậu huyết vựng, nhũ kết, kinh nguyệt không dứt, trường phong, trĩ lậu, bài nung. Trị nhọt lở, hoạt tinh, niệu huyết, ứ huyết do tổn thương."Sách Bản thảo cương mục: "thông kinh mạch. Trị cốt tiết phong thống, hoạt huyết hành huyết."Sách Dược giám: "chuyên hoạt huyết, trị té ngã ung độc, trưng hà, kinh bế, tiện huyết, băng trung đới hạ, trĩ lậu phong tý, cổ trướng, hoàng đản, trùng thương."Sách Bản thảo hội ngôn: " Thiến thảo trị huyết năng hành, năng chi chế rượu thì hành, chế giấm thì chỉ. Hoạt huyết khí, sơ kinh lạc. Trị các chứng huyết uất, huyết tý rất tốt, mà không tổn thương khí huyết phối hợp với Qui Thược dùng rất tốt đối với phụ nữ".Sách Bản thảo kinh sơ: " Thiến thảo là vị thuốc chủ yếu hành huyết lương huyết. Chủ chứng tý và đản, chứng đản do súc huyết chứ không phải do thấp nhiệt, chứng tý do bệnh của huyết, thuốc có tác dụng hành huyết nhuyễn kiên nên chứng tý sẽ khỏi".Sách Bản thảo tân biên: " Thiến thảo chỉ huyết hành huyết mà không bổ huyết, nên cùng với thuốc bổ khí để hành huyết mà không nên cùng dùng với thuốc bổ huyết để tán khí. Hành huyết mà chỉ huyết là dẫn huyết qui kinh nhưng khí huyết đã vào kinh rồi cần tiếp tục bổ âm".Sách Bản thảo cầu chân: " Những chứng như kinh bế, phong tý, hoàng đan, do ứ huyết bên trong, uống thuốc vào ứ huyết tan đi xuống, nếu là thổ, băng, niệu huyết do huyết trệ không thông, uống vào trục ứ mà cầm máu".
B. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
1.Tác dụng cầm máu: Cho uống than Thiến thảo làm rút ngắn thời gian chảy máu của đuôi chuột nhắt trắng. Nước ấm ngâm kiệt rễ Thiến thảo rút ngắn thời gian đông máu của thỏ, có tác dụng cầm máu nhẹ.
2.Tác dụng kháng khuẩn: Thuốc có tác dụng ức chế đối với các loại tụ cầu khuẩn vàng, trắng, phế cầu khuẩn và trực khuẩn cúm.
3.Tác dụng giảm ho hóa đàm: Thuốc sắc cho chuột nhắt uống có tác dụng cầm ho hóa đàm, nếu cho cồn kết tủa thuốc sẽ không có tác dụng này.
4.Tác dụng đối với cơ trơn: Nước sắc Thiến thảo có tác dụng đối kháng với acetylcholin làm co thắt ruột cô lập của thỏ. Chất chiết xuất nước của rễ Thiến thảo làm hưng phấn tử cung cô lập của chuột lang, cho sản phụ uóng làm tăng co bóp tử cung.
5.Tác dụng đối với sỏi đường niệu: cho chuột nhắt uống chế phẩm thuốc 20% có tác dụng ngăn ngừa hoặc hạn chế sự hình thành sỏi thận và bàng quang. Tác dụng thúc đẩy tống sỏi có thể do thuốc có tác dụng hưng phấn co bàng quang.
6.Tác dụng làm tăng bạch cầu: chất glucozit I và II đều có tác dụng làm tăng bạch cầu ngoại vi.
7.Tác dụng chống ung thư: chất RA được chiết xuất từ cây Thiến thảo có tác dụng chống ung thư đối với bệnh bạch cầu của chuột nhắt, ung thư đại tràng, ung thư nước ổ bụng và phòng chống di căn của tế bào ung thư. Độc tính của thuốc đối với tế bào bình thường rất thấp.
8.Độc tính của thuốc: cho chuột nhắt uống nước sắc của thuốc với liều 150g/kg không có tử cung, nếu tăng liều lên 175g/kg thì cứ 5 con có 1 con chết.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Dùng cầm máu: Trị các chứng chảy máu cam, nôn ra máu, tiêu ra máu, kinh kéo dài, huyết lî.
- Thiến mai hoàn ( Phổ tế bản thị phương) gồm: Thiến thảo, Ngãi diệp, Ô mai lượng bằng nhau tán bột mịn luyện mật làm hoàn, uống mỗi lần 2 - 4g, ngày 2 - 3 lần. Trị chảy máu cam do nhiệt.
- Cát căn tán: Thiến thảo, A giao đều 10g, Hoàng cầm, Trắc bá đều 8g, Sinh địa 16g, Cam thảo 3g, chế thành dạng bột hoặc sắc uống ( trị thổ huyết, chảy máu cam). Nôn ra máu có thể dùng độc vị Thiến thảo tán bột sắc uống hoặc phối hợp với Đậu đen, Cam thảo tán bột làm hoàn uống gọi là Thiến thảo hoàn ( trong sách Thần tế tổng lục). Trường hợp nôn ra máu mà cơ thể hư yếu, thuốc kết hợp với Hoàng cầm, Trắc bá diệp, Hoàng kỳ, Đương qui ( bài Thiến căn tán trong Phổ tế phương). Trường hợp cần cầm thổ huyết mạnh hơn gia Tam thất, Kê huyết đằng sắc uống ( thổ huyết thần phương Y môn bổ yếu).
- Thiến căn thang: Thiến căn, Địa du đều 10g, Đương qui 12g, Địa hoàng 16g, Hoàng cầm, Chi tử đều 8g, Hoàng liên 6g, Đậu xị 12g, Phỉ bách 12g, sắc uống trị xích lî thể nhiệt.
- Trị chảy máu răng sau khi nhổ răng: dùng bột Thiến thảo rắc lên miếng gạc đắp vào cắn chặt sau 1 - 2 phút cầm máu ( Thông báo Vệ sinh y dược 1974, 1:54)
2.Trị tắt kinh: dùng Thiến thảo 20g sắc uống.
3.Trị Xích bạch đới: dùng bài:
- Thanh đới thang: Thiến thảo, Hải phiêu tiêu, Long cốt, Mẫu lệ đều 12g, Hoài sơn 20g, ( Xích đới gia Bạch thược, Khổ sâm. Bạch đới gia Lộc giác sương) sắc uống.
4.Trị viêm phế quản mạn tính: dùng Thiến thảo và vỏ cây cam chanh chế thành thuốc sắc hoặc thuốc viên cho uống trị 123 ca, mỗi liệu trình 10 ngày, sau 1 liệu trình tỷ lệ có kết quả là 40,7%, sau 2 liệu trình là 69,1% kết quả tốt, đối với thể hen kết quả càng rõ rệt ( tư liệu Y học của Bộ vệ sinh quân khu Phúc châu 1972,3:10))
Liều dùng và chú ý:
Liều uống cho vào thuốc thang: 10 - 15g, liều cao có thể dùng tới 30g, thuốc dùng sống có tác dụng hoạt huyết khu ứ và chỉ huyết, thuốc sao lên chủ yếu là cầm máu.Dùng thận trọng trong các trường hợp: Tỳ vị hư nhược, tinh huyết kém, âm hư hỏa vượng, không có huyết ứ.
Cây thuốc Thiến Thảo