Cây dược liệu cây Thông đỏ, Vân nam hồng đậu sam - Taxus wallichiana Zuce. (T. baccata L. subsp. wallichiana (Zuce) Pilger, T. yunnanensis Cheng el L. K. Fu)

Theo Y học cổ truyền, Thông đỏ Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, sát hồi trùng, tiêu thực. Taxin là chất độc chủ yếu đối với tim. Lá được sử dụng làm thuốc trị hen suyễn, viêm phế quản, nấc; còn dùng chữa tiêu hoá không bình thường, động kinh và như là chất kích dục. Cây được dùng làm thuốc duốc cá.

Thông tin mô tả chi tiết cây Dược liệu Thông đỏ

Thông đỏ, Vân nam hồng đậu sam - Taxus wallichiana Zuce. (T. baccata L. subsp. wallichiana (Zuce) Pilger, T. yunnanensis Cheng el L. K. Fu), thuộc họ Thông đỏ - Taxaceae.

Mô tả: Cây gỗ thường xanh, cao tới 20m. Nhánh con mảnh, màu lục. Lá mọc so le, hầu như không cuống, cong hình cung nhiều hay ít, thót lại ở gốc, dài 2,5-3,5cm, rộng 2-3mm, xếp thành hai hàng. Hoa khác gốc. Nón đực ở nách lá, hình cầu, kèm theo ở gốc những lá bắc lợp; nón cái gồm những nhánh ngắn, có vẩy dạng gai lợp, xếp thành 4 dãy đứng. Hạt hình trứng dài, nằm trong một đĩa dạng đấu, màu đỏ, nạc và có thịt.

Bộ phận dùng: Cành, lá - Ramulus et Folium Taxi Wallichianae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Nêpan, Trung Quốc, Đài Loan, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, chỉ gặp thưa thớt trong rừng, ở những độ cao khoảng 1500m ở Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương (Lâm Đồng) và Nha Trang (Khánh Hoà). Rất thích hợp với vùng núi đá vôi. Có thể trồng bằng cách giâm cành.

Thành phần hóa học: Lá chồi, hạt đều chứa chất độc chính là alcaloid taxine, một hỗn hợp gồn 2 alcaloid tinh là taxine A và taxine B, trong đó taxine B là chất chủ yếu. Lá chứa các alcaloid taxine, taxinine, vết của ephedrine. Còn có một glucosid taxicatin. Vỏ thân chứa tanin; hạt giàu dầu béo.

Tính vị, tác dụng: Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, sát hồi trùng, tiêu thực. Taxin là chất độc chủ yếu đối với tim. Liều độc khi tiêm qua ven ở khoảng 2-3 mg cho 1kg cơ thể, đủ làm giảm sút đồng thời nhịp đập của tim và cường độ hô hấp. Ở Ấn Độ, người ta xem lá và quả có tác dụng điều kinh, làm dịu và kháng sinh; quả còn có tác dụng nhuận tràng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá được sử dụng làm thuốc trị hen suyễn, viêm phế quản, nấc; còn dùng chữa tiêu hoá không bình thường, động kinh và như là chất kích dục. Cây được dùng làm thuốc duốc cá.

Ở Trung Quốc, cành vỏ lá được dùng trị thực tích, bệnh giun đũa.