Những loại thực phẩm GMO được phép trồng ở Việt Nam
Tại Việt Nam, từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới bắt đầu thực hiện khảo nghiệm 7 giống ngô BĐG, trong đó 3 giống của công ty TNHH Syngenta, 3 giống của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (công ty Monsanto) và 1 giống của công ty Pioneer Hibred Việt Nam.
Đến tháng 3/2015, 3 giống ngô GMO đã được đồng loạt xuống giống tại 4 tỉnh phía Bắc và 4 tỉnh phía Nam. Sản phẩm thu hoạch đã được đưa vào sử dụng đại trà ở Việt Nam. Đến tháng 8/2016, Bộ NN&PTNN đã cấp phép cho 21 giống ngô và đậu nành GMO được phép trồng ở Việt Nam.
Như vậy đến năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 29 trồng đại trà ngô biến đổi gen, có khả năng kháng sâu. Tầm nhìn đến năm 2020, diện tích cây biến đổi gen ở Việt Nam sẽ chiếm 30%-50% tổng diện tích ngô, bông và đậu tương trồng mới.
Về thực phẩm GMO được phép kinh doanh ở Việt Nam, theo quy định từ tháng 1/2016, các loại thực phẩm biến đổi gen bắt buộc dán nhãn ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt trên bao bì. Theo đó, các loại thực phẩm có ít nhất 1 thành phần nguyên liệu biến đổi gen >5% tổng nguyên liệu đều phải ghi nhãn.
Tuy nhiên mặt hạn chế của quy định này là nó chỉ áp dụng được với các loại thực phẩm đóng gói sẵn như các loại trái cây, rau củ nhập ngoại... Còn đối với các loại thực phẩm tươi, khô, đông lạnh… các loại thức ăn chăn nuôi thì người tiêu dùng vẫn phải dè chừng về nguồn gốc.
Chưa biết tốt hay xấu, nhưng cứ tránh cho... lành
Dù năm 2015 mới chính thức được gieo trồng trên diện rộng, nhưng thực phẩm GMO đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ trước đó rất lâu.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, nhiều loại thực phẩm biến đổi gen đang có mặt hầu hết ở các chợ và siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, 111/323 mẫu thực phẩm gồm: bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua, đậu Hà Lan… chọn ngẫu nhiên ở 17 chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố được kiểm nghiệm cho kết quả là sản phẩm biến đổi gen.
Trong đó có bắp Mỹ, bắp trái non, bắp non đóng hộp, bột bắp, bắp giống có nguồn gốc trong nước và nước ngoài dương tính với promoter 35S hoặc terminator nos - một dạng biến đổi gen. Ngoài ra còn có 45 mẫu bắp, 29 mẫu đậu nành, 11 mẫu gạo, 15 mẫu khoai tây, 10 mẫu cà chua.
Đáng chú ý là người tiêu dùng, các nhà phân phối và cả ban quản lý các siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố hầu như không hiểu biết gì về thực phẩm biến đổi gen.
Chị Đặng Mai Hương, công chức của một đơn vị thuộc UBND TP.Hà Nội. Hàng ngày chị Hương tự tay lo toan bếp núc bữa ăn giấc ngủ cho gia đình. Quan điểm của chị Hương là không quá cầu kỳ về thực phẩm bởi điều kiện kinh tế không cho phép, tuy nhiên hàng hóa chị lựa chọn phải tươi ngon và càng rõ xuất xứ càng tốt.
“Tôi cũng không đủ khả năng và không cầu kỳ mua rau quả thịt cá ngoại nhập bởi tôi cũng sợ người bán trà trộn thực phẩm nhập lậu thì còn tai hại hơn. Hơn nữa, thực phẩm của Việt Nam cũng rất ngon và tốt nếu mua đúng hàng tươi ngon, không bệnh và có xuất xứ”, chị Hương chia sẻ
Khi được hỏi về thực phẩm biến đổi gene, chị Hương cho biết có nghe nói nhưng thực tế đi chợ hàng ngày đôi khi cũng không phân biệt được đâu là thực phẩm biến đổi gene hay không.
“Chỉ thấy cây trái gì quá to quá tươi mắt hơn so với bình thường như củ cải hay bắp ngô (bắp) to bằng bắp tay bắp chân thì tôi đoán là đồ biến đổi gene, tốt nhất cứ không ăn cho…lành”, chị Hương cho biết.
Cùng tâm lý như chị Hương, khi chọn thực phẩm cho gia đình, nhiều bà nội trợ chỉ dựa vào cảm quan của mắt thường. Cũng không hiểu biến đổi gene là tốt hay xấu, nhưng thôi cứ tránh cho…lành.