Thông tin mô tả cây dược liệu Thầu táu
Thầu táu, Tai nghé biệt chu - Aporusa dioica (Roxb.) Muell. - Arg. (Alnus dioicus Roxb., Aporusa microcalyx Hassk., A. chinensis (Champ.) Merr.), thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.
Mô tả: Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, cao 2-11m; các cành non có lông sớm rụng, màu xám nhạt. Lá có phiến bầu dục, hình trứng ngược hay có khi hình mũi mác, dài 6-15cm, rộng 2-6,5cm, đầu tù, gốc nhọn, mép có răng thưa ở 1/2 trên; gân phụ 5-7 cặp, cuống dài 0,5-1cm, ít lông. Cây có hoa khác gốc. Bông đực dài 1,5-2cm; nhị 3. Hoa cái thành bông ngắn hay xim co ở nách; bầu có lông, vòi nhuỵ 2. Quả nang xoan, cao tới 13mm, rộng 8mm, màu nâu; hạt 1-2, dài 8-9mm.
Ra hoa tháng 4-7.
Bộ phận dùng: Vỏ, rễ, lá - Cortex, Radix et Folium Aporusae Dioicae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Á châu nhiệt đới, thường mọc trong các rừng thưa, trên đồi, trảng cây bụi ở Hà Giang, Vĩnh Phú, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả ăn được.
Ở Campuchia, vỏ dùng làm thuốc chữa sâu răng. Rễ cây, phối hợp với các vị thuốc khác dùng trị các bệnh xẩy ra sau khi sinh.
Ở Vân Nam (Trung Quốc) lá tươi dùng trị sang ung thũng độc.
Dân gian cũng dùng các bộ phận của cây chữa ho lao và cầm máu vết thương (Viện Dược liệu).