TRẢ LỜI: theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hạnh, Viện Công nghệ hóa học, TPHCM cho biết:
Formaldehyde là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi và có khả năng chuyển sang thể khí ở điều kiện bình thường. Formaldehyde tồn tại trong vải do được sử dụng trong công đoạn in nhuộm và hoàn tất nhằm giữ màu và tạo liên kết ngang để chống nhăn trong khâu hoàn tất, chống nấm mốc.
Mặc dù hiện nay có nhiều công nghệ và hóa chất khác để thay thế formaldehyde, nhưng formaldehyde vẫn được sử dụng trong công nghiệp dệt vì giá thành rẻ.
Mức giới hạn formaldehyde trong vải ở các nước không giống nhau. Nhật Bản có mức giới hạn nghiêm ngặt là vải dùng cho trẻ em thì không có formaldehyde và không quá 75ppm đối với vải tiếp xúc trực tiếp với da.
Các chuyên gia châu Âu cho rằng, ở mức dưới 10ppm coi như không có formaldehyde, từ 10 - 20ppm thì có thể xác định có formaldehyde trong vải nhưng chỉ có thể định lượng được khi formaldehyde có hơn 20ppm.
Thực tế, chúng ta không dễ dàng nhận biết sự có mặt của formaldehyde trong vải do mùi hắc đặc trưng của nó vẫn có thể bị lẫn với các loại hóa chất hồ vải, thuốc nhuộm màu hay giữa các loại chất liệu vải khác nhau.
Theo các chuyên gia, vì formaldehyde có đặc tính hòa tan trong nước, nên tốt nhất quần áo, chăn drap, rèm cửa hay vải bọc ghế... mới mua về nên giặt sạch trước khi dùng để giảm nguy cơ nhiễm độc.
PV (ghi)