Hành động xuất phát từ lòng Nhân
Cách đây mấy năm, ông Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc của VTV, khởi tạo chương trình “Cơm có thịt” (hay còn gọi là “Quỹ học trò nghèo vùng cao”) cho các trường tiểu học vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn ở khắp 64 tỉnh thành. Chưa có báo cáo chính thống nào về việc trước đó, học sinh nội trú vùng dân tộc thiểu số được ăn cơm có thịt hay không, nhưng có thể khẳng định, ông Tuấn đã giúp cho lũ trẻ ở trường dân tộc nội trú Suối Giàng (Yên Bái) từ năm 2013 bữa cơm nào cũng có thịt, không phải ăn cơm nhạt với rau trường kỳ.
Mới đây, ba cậu bé chăn trâu là Trần Thanh Mới, Đỗ Văn Bằng (cùng 16 tuổi) và Lê Nhĩ Khang (14 tuổi), nhà gần cống thủy lợi Thạnh Trị - thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) đã đến trụ sở công an để trả lại số tiền 40 triệu đồng của ai đó đánh rơi. Khi nhặt được cái ví trên đường, Khang mở ra thấy số tiền lớn, Mới bảo đến công an để tìm người trả lại. “Lúc mới mở ví ra, thấy nhiều tiền là con nghĩ đến việc người đánh rơi chắc chắn sẽ buồn lắm, chạy đi tìm lại ngay nên tụi con phải nhờ công an giúp họ. Mình mất 10.000 đồng còn thấy xót, huống chi người ta mất nhiều tiền”, Mới chia sẻ. Điều gì khiến một cậu bé đang tuổi dậy thì, bỏ học vì nhà nghèo, đi chăn trâu giúp cha mẹ có suy nghĩ “người đánh rơi chắc sẽ buồn lắm”?
Ngày cuối tuần, cư dân mạng và gia đình, người thân, bạn học của cô bé thiên thần Hải An đã cạn cả nước mắt khi tiễn đưa cô bé. Câu chuyện về bé Hải An đã như một hồi chuông ngân nga đến cõi tâm tư chưa thức giấc của rất nhiều người, cả những người vẫn còn rung động với những việc tử tế, và những người từ lâu đã không còn tin vào sự tử tế ở đời.
Cô bé Hải An dũng cảm hay cha mẹ của cô bé dũng cảm? Điều này đã không cần phải phân định, bởi hành động cao đẹp đó xuất phát từ chính lòng nhân, từ sự từ bi dám cho đi của “những người tử tế”.
Việc tử tế sẽ tạo nên người tử tế (Trong ảnh: Một bạn trẻ tình nguyện Hà Nội tặng chăn ấm cho người vô gia cư trong đêm lạnh)
Việc tử tế ai cũng có thể làm
Những chuyện phía trên chỉ là những điển hình được truyền thông nhắc đến, xung quanh chúng ta sự tử tế vẫn len lỏi vào những hành động nhỏ bé mà không một báo đài nào nhìn thấy để tuyên dương. Một người đàn ông mua một tấm chăn mang đến đắp cho người già vô gia cư đang ngủ trong cái lạnh 5 độ của đêm Hà Nội, camera vô tình quay lại được; hàng vạn người Việt Nam đổ ra đường chào đón U23 Việt Nam, rất nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra, họ cười với nhau và phẩy tay: “Chuyện nhỏ ấy mà, anh chị có sao không?”; một cụ già 20 năm vẫn lặng lẽ đi dọn rác ven hồ; một nhóm thanh niên học sư phạm đi dạy chữ cho trẻ em đánh giày…
Rất nhiều những câu chuyện nhỏ bé, lấp lánh đủ để làm xao động những con tim tưởng đã khô cằn, rất nhiều những hành vi đẹp đủ để chứng minh người tạo ra hành vi ấy là người tử tế. Việc tử tế ai cũng có thể làm, nếu khởi nguồn từ lòng nhân ái, lòng từ bi, thương người khác như thương chính mình.
Để làm được việc tử tế không khó, nhưng đòi hỏi chúng ta phải có lòng dũng cảm và kiên định với quyết định của chính mình, điều quan trọng nhất ta thực sự phải học được cách cho đi một cách vô tư như trái tim trong veo, thuần khiết. Hãy thôi việc oán than rằng xã hội này vô cảm, không có chỗ cho người tốt, người tử tế. Bởi việc tử tế sẽ tạo nên người tử tế, muốn sống tử tế hay không, chính là ở sự lựa chọn của mỗi người.
Nguồn : Báo ANTD