Uống bia, rượu - lợi ít hại nhiều
Theo Y dược học hiện đại, các đồ uống có cồn có tác dụng: làm tăng HDL-C, chuyển hóa tốt chất béo omega-3 trong cơ thể.
Giảm nguy cơ tim mạch và đột quỵ: làm cho máu lưu thông dễ dàng nên tim không phải hoạt động mạnh. Ở liều lượng vừa phải, giảm thiểu sự cố về tim.
Giảm nguy cơ đái tháo đường: hàm lượng cồn trong máu giúp gia tăng chức năng của tuyến tụy và kiểm soát lượng glucose trong cơ thể giúp tránh được sự tấn công của bệnh đái tháo đường trong tương lai.
Tăng tuổi thọ: làm chậm quá trình lão hóa của não và kích thích chức năng của não hoạt động tốt hơn.
Các lợi ích trên cũng ngăn ngừa bệnh tật, làm tăng tuổi thọ.
Theo Y dược học cổ truyền: Rượu có tác dụng xoa dịu chấn thương ngoại khoa sưng nề đau nhức, đau vùng ngực bụng do phong hàn lãnh thống, các trường hợp co cứng cơ (kinh giật, chuột rút, đau quặn cấp...). Uống ít (5-30ml) để khai vị, làm tăng thơm ngon của thức ăn (kích thích tiêu hóa), loại bỏ vị tanh hôi. Rượu tác dụng “dẫn” một số thuốc nên người ta thường ngâm thực phẩm, thảo dược trong rượu 2 - 3 tuần, sau đó lọc lấy “rượu thuốc″ (rượu ngũ gia bì, rượu phong thấp, rượu rắn, rượu sâm quy...) hoặc để xoa bóp chữa bệnh.
Hệ lụy xấu của việc uống rượu bia
Chất lượng rượu: Do sản xuất thủ công nên chưa loại bỏ các chất độc hại aldehyt, furfurol, methanol... sinh ra trong quá trình lên men và chưng cất. Các chất này gây độc thần kinh dễ gây tử vong; do vậy, chỉ nên uống loại rượu đã kiểm định chất lượng. Rượu tác dụng lên hệ thần kinh gây hưng phấn, kích thích tiêu hóa, làm tăng dịch vị. Chất ethanol trong bia, rượu làm giãn mạch ngoại biên (đỏ mặt, đỏ da), tăng nhịp tim, làm cơ thể phát nhiệt mạnh nên người ở vùng hàn đới và ôn đới thích dùng rượu có độ cồn cao. Rượu làm rối loạn các phản xạ co thắt mao mạch làm hạ huyết áp. Ethanol bị các vi khuẩn chuyển thành acetaldehyt làm tổn thương thành ruột. Rượu ngấm vào máu được chuyển hóa ở gan tạo thành acetaldehyt gây cơn đau nhức đầu, làm chết tế bào thần kinh, làm giảm tinh trùng, giảm khả năng tình dục và gây bệnh về gan (suy gan, xơ gan). Với phụ nữ có thai, rượu ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dễ sinh con có khuyết tật và thiểu năng trí tuệ.
Nên uống rượu với lượng thế nào? Trong cơ thể mỗi người đều có men hóa giải rượu chứa trong gan, chúng chuyển ethanol thành acetaldehyt, thành CO2và nước. Số lượng men này ở mỗi người một khác (do gien di truyền), người có nhiều men hóa giải rượu được coi là người có tửu lượng cao, người có ít thì có tửu lượng thấp nên với cùng lượng rượu như nhau, có người uống thì say, có người không say.
Say rượu là hiện tượng ngộ độc ethanol, gây nhiễm độc thần kinh với các cấp độ khác nhau:
+ Độ 1: đỏ mặt, nói nhiều, có thể nôn mửa;
+ Độ 2: Suy nghĩ kém chính xác, thiếu tự chủ trong hành vi và lời nói;
+ Độ 3: Nói lè nhè, cảm xúc thất thường, dễ kích động, hay gây gổ và liều mạng;
+ Độ 4: Ngừng thở, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Ngộ độc rượu: Trường hợp uống rượu có lẫn methenol hay các chất khác ngoài ethanol gây nên chóng mặt, buồn nôn, nôn, ăn vào nôn ra nhiều, đau bụng, lú lẫn, yếu cơ, mắt mờ hoặc nhìn thấy trắng mờ, rối loạn về cảm giác màu sắc. Nếu nhận thấy các triệu chứng trên ở người đã uống rượu thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Những điều cấm kỵ
Theo Y dược học cổ truyền, dùng hạn chế bia, rượu với người mất máu nhiều (chấn thương, vừa mới hiến máu, cho máu); phụ nữ có thai không nên dùng.
Không ép nhau uống rượu. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không nên uống rượu. Nam giới sau khi uống rượu nên kiêng sinh hoạt tình dục. Khi uống rượu thì không hút thuốc lá, không dùng đồ uống có cafein. Không uống rượu khi đang dùng thuốc có tương kỵ với rượu. Sau khi uống rượu, không được lái xe, vận hành máy móc dễ gây tai nạn. Nếu có nhức đầu do rượu, cấm dùng paracetamol hoặc aspirin.
TS. Nguyễn Đức Quang / Nguồn: Báo Sk&đs