Chuyện kể rằng, một hôm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dẫn các đệ tử của mình đi đến một vùng quê nhỏ. Sáng sớm hôm ấy, ánh nắng chan hòa, chim muông hót vang, hương thơm dìu dịu. Đức Phật cùng các đệ tử ngồi lại trên thảm cỏ bên bờ sông, cùng ngắm vạn vật đua chen sức sống.
Bỗng có một đệ tử cất tiếng hỏi Đức Phật Tất Đạt Đa: “Thưa Đức Thế Tôn, ngài có đầy thần thông và từ bi, cớ sao trên đời vẫn còn quá nhiều chúng sinh chịu khổ vậy?”.
Đức Phật thoáng nhìn người đệ tử, mỉm cười đầy từ bi rồi ôn tồn giảng: “Ta dẫu có thần thông lớn ngần nào nhưng cũng có bốn điều vẫn là không thể làm được”.
Các đệ tử vô cùng băn khoăn: “Thưa Đức Thế Tôn, đó là những việc gì ạ?”.
Đức Phật trầm ngâm một hồi, đoạn nói: “Bốn điều ấy chính là:
Một là NHÂN QUẢ không thể đổi thay, người gieo nhân nào thì gặt quả ấy, không ai có thể nhận thay.
Hai là TRÍ TUỆ không thể cho, ai muốn có đều phải tự mình tu học.
Ba là PHẬT PHÁP không thể diễn tả, chỉ có thể dựa vào ngộ mà đắc được.
Bốn là KHÔNG CÓ NHÂN DUYÊN thì không thể độ, người không có duyên thì không bao giờ nghe được những lời ta giảng”.
Trên đời, có rất nhiều việc là không thể cưỡng cầu. Tất cả chỉ có thể dựa vào một chữ duyên mà thôi. Duyên chưa đủ thì không thể gặp, phận không có thì sao có thể ép buộc được đây?
Đời người ôi chỉ là giấc mộng, mộng tàn rồi thì ảo ảnh cũng vụt tan. Nhân sinh chẳng qua chỉ là một trường mộng ảo, người với người gặp gỡ chẳng phải cũng chỉ vì kết duyên từ muôn vạn kiếp đó sao?
Duyên phận không phải cầu là đến, không phải muốn là được. Chỉ là bạn có đủ thành tín hay không, có đủ thiện lương hay không, có đủ phúc phận hay không mà thôi.
Cũng giống như mưa trời tuy lớn nhưng cây không có rễ thì khó mà thấm nước.
Cửa Phật tuy rộng nhưng chẳng thể nào độ được người vô duyên.