Nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Ung thư Anh và tổ chức Royal Marsden NHS Foundation Trust vừa phát triển thành công phương thuốc trị ung thư từ bên trong chính tế bào bệnh. Phương thuốc nói trên được đặt biệt danh ‘ngựa thành Troy’ và đã giúp đem lại hy vọng sống cao cho nhiều bệnh nhân được đánh giá là hết thuốc chữa.
Loại thuốc kể trên có tên là tisotumab vedoti. Về cơ chế hoạt động, thay vì tìm đến các tế bào ung thư và tấn công chúng từ bên ngoài, phương thuốc này sẽ bí mật ‘cài cắm’ chất độc vào bên trong tế bào ung thư và tiêu diệt chúng từ bên trong.
Để hiện thực hóa việc đưa phương thuốc này vào thực tiễn, 147 tình nguyện viên là bệnh nhân ung thư giai đoạn nặng, đã không còn đáp ứng với bất cứ thuốc trị ung thư hiện đại nào đã tham gia thử nghiệm. Đây là những bệnh nhân đã mắc một trong 7 dạng ung thư: bàng quang, buồng trứng, phổi, cổ tử cung, nội mạc tử cung, thực quản, buồng trứng, tuyến tiền liệt.
Kết quả sau thử nghiệm cho thấy, bệnh nhân thuộc 6/7 nhóm bệnh ung thư này đã có tiến triển tốt khi khối u của họ ngừng phát triển. Mặc dù phương thuốc này chưa chắc giúp những bệnh nhân bị ung thư khỏi hẳn bệnh nhưng chắc chắn sẽ giúp họ kéo dài sự sống đáng kể.
Cũng theo kết quả được công bố, tỷ lệ chuyển biến sau dùng thuốc ở bệnh nhân ung thư bàng quang là cao nhất (27%). Tỷ lệ này ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung là 26%, ở bệnh nhân ung thư thực quản và ung thư phổi dạng không tế bào nhỏ là 13%. Chỉ có trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt là không được hưởng lợi khi sử dụng thuốc này.
Chia sẻ về nghiên cứu trên, giáo sư Johann de Bono (đến từ Viện Nghiên cứu Ung thư Anh đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu) cho biết, đây mới chỉ là những thử nghiệm ban đầu của phương thuốc có biệt danh "ngựa thành Troy".
Tuy nhiên, những con số thống kê đã cho thấy sự khả quan và chứng minh cách điều trị bằng phương pháp tiếp cận từ bên trong có thể thành công với nhiều dạng ung thư kháng trị. Hiện các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu với hy vọng giúp thuốc hiệu quả hơn nữa.
Được biết, thuốc đang được sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch, có tác dụng phụ nhưng không đáng nguy hiểm, bao gồm chảy máu cam (69%), mệt mỏi (56%), buồn nôn (52%) và rụng tóc (44%).
Bảo Lâm (Theo Daily Mail, Independent)