Ðậu mèo rừng, Móc mèo; Ðậu ngứa - Mucuna pruriens
Ðậu mèo rừng, Móc mèo; Ðậu ngứa - Mucuna pruriens (L.) DC., thuộc họ Ðậu - Fabaceae.
Mô tả: Dây leo sống hàng năm, có thân khía dọc mang nhiều lông màu hung. Lá có 3 lá chét hình trái xoan quả trám, mặt trên ít lông, mặt dưới có nhiều lông trắng mềm; các lá chét bên mất cân xứng, lá kèm sớm rụng. Cụm hoa ở nách lá, hình chùm thõng xuống, dài tới 50cm, mang nhiều hoa và có nhiều lông ngứa. Hoa màu tím dài 5cm. Quả hình chữ S, dài 5-8cm, rộng 1,2cm; dẹt, không có nếp gấp, phủ đầy lông tơ ngứa màu hung. Hạt 5-6, hình trứng, màu hạt dẻ.
Bộ phận dùng: Hạt, rễ - Semen et Radix Mucunae.
Nơi sống và thu hái: Cây của á châu nhiệt đới, phổ biến khắp nước ta, thường gặp mọc hoang dại, leo lên các bụi rậm, lùm cây ở bìa rừng vùng núi.
Tính vị, tác dụng: Lông ngứa của cây khi chạm vào người sẽ gây mẩn ngứa khó chịu, khi va vào mắt sẽ gây đau mắt nguy hiểm. Hạt có tính xổ và sát trùng, hút độc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nhân dân thường dùng hạt bổ đôi đắp hút nọc độc rắn cắn. Ở Ấn Độ, hạt được dùng trục giun đũa; người ta nghiền hạt ra, lẫn với mật ong hay xi rô làm thành thuốc dẻo ngọt dùng ăn trong 4-5 ngày với liều 15g đối với người lớn và 4g đối với trẻ em. Hạt cũng được dùng làm thuốc tẩy xổ, nhưng với liều quá cao có thể gây rối loạn đường ruột và có thể gây tử vong. Ở Lào, người ta sử dụng rễ làm thuốc.
Hình ảnh Hạt Ðậu mèo rừng, Móc mèo; Ðậu ngứa - Mucuna pruriens