Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh này gây tử vong cho 158.000 ca hằng năm (2011) và chủ yếu xảy ở các nước có hệ thống chăm sóc sức khoẻ chưa hoàn thiện - nơi tỉ lệ chết vì sởi lên tới 1-2 ca trên 1.000 dân.
Nghiêm trọng hơn trong trong năm 2018, ở 47 trên tổng số 50 quốc gia châu Âu có hơn 80.000 ca mắc sởi với 72 ca tử vong, và đáng chú ý là các ca này xảy ra ở các nước đã có hệ thống chăm sóc sức khoẻ cực kì phát triển.
Tổng số ca mắc sởi năm 2018 cao nhất trong một thập kỉ qua, cao hơn 3 lần so với năm cao nhất (2017) và cao hơn 15 lần so với năm thấp nhất (2016).
Việc đưa chương trình tiêm chủng phòng sởi trên toàn thế giới từ những năm 70, thế kỉ 20 đã giúp loại bỏ phần lớn các ca tử vong do sởi, từ 630.000 ca năm 1990 xuống còn 158.000 ca năm 2011; và chuyển nhóm tuổi mẫn cảm với sởi từ trẻ sơ sinh sang thanh thiếu niên ở các nước đã phát triển.
Tuy nhiên, tình trạng này lại khác ở các nước nghèo và đang phát triển nơi mà trẻ em dưới 4 tuổi lại là đối tượng mẫn cảm chính. Ngoài ra, việc thiếu dinh dưỡng cũng là một nguyên nhân khiến tăng tỉ lệ mắc sởi ở trẻ sơ sinh. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn sởi bùng phát là duy trì tỉ lệ tiêm phòng cao trong cộng đồng.
Theo ước tính cần duy trì tỉ lệ tiêm phòng từ 90-95% để ngăn sự lây lan bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh sởi nói riêng trong cộng đồng.
Virus sởi đặc biệt nguy hiểm cho trẻ sơ sinh vì đây là một trong ba virus có khả năng gây ức chế miễn dịch (hai virus còn lại là HIV, và Human T-lymphotropic virus 1). Ức chế miễn dịch của sởi thể hiện ở khả năng gây chết hàng loạt tế bào lympho, đẩy cán cân đáp ứng từ Th1 sang Th2 (Th1: khả năng tế bào T đáp ứng với virus, Th2: khả năng tế bào T bị ức chế đáp ứng), và các tế bào lympho không còn khả năng đáp ứng với tác nhân kích thích.
Cụ thể, khi xâm nhiễm, virus sởi hoạt hoá quá trình tự chết của các tế bào miễn dịch như tế bào tua, tế bào T (các tế bào tham gia chính trong việc loại bỏ virus) thông qua việc tiết các chất kích thích gây chết theo chương trình. Trong một chiêu bài khác, tương tự như HIV, virus sởi trốn trong tế bào tua và sử dụng tế bào này như một “con ngựa thành Tơ-roa” để tiếp xúc và ức chế hoạt động của tế bào lympho T (tế bào điều khiển mọi hoạt động miễn dịch của cơ thể).
Ngoài ra, virus sởi còn sử dụng chính các protein trên bề mặt vỏ của mình để “bịt miệng” tế bào lympho T, ngăn tế bào này “trao đổi thông tin” với tế bào tua và vì thế ngăn khả năng “điều binh khiển tướng” hệ miễn dịch của tế bào lympho T. Vậy nên, việc nhiễm virus sởi sẽ có tác động rất lớn tới hệ miễn dịch của cơ thể.
Tuy khả năng gây tử vong cao như vậy nhưng vaccine phòng sởi lại có hiệu quả rất cao. Chỉ cần một lần tiêm phòng thì có khả năng bảo vệ suốt đời. Vì vậy, chỉ cần đưa trẻ nhỏ tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng sởi và các bệnh truyền nhiễm khác để duy trì tỉ lệ tiêm phòng trong cộng đồng trên 95% là hoàn toàn có thể ngăn sởi và các bệnh truyền nhiễm khác bùng phát.
PGS.TS. Trần Văn Hiếu (Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM)