Cây Rè đẹp, Chua ngút hoa đẹp - Embelia pulchella
Rè đẹp, Chua ngút hoa đẹp - Embelia pulchella Mez., thuộc họ Ðơn nem - Myrsinaceae.
Mô tả: Dây leo; nhánh trong một mặt phẳng, có lông nâu đỏ. Lá xếp hai dây, không lông, trừ ở gân, mép có thể có răng, tuyến nâu; cuống rất ngắn. Cụm hoa 1-4 hoa, có vẩy nhỏ; cuống hoa 1-3mm; đài nhỏ; cánh hoa trắng, có tuyến, dính nhau ở gốc; nhị gắn trên cánh hoa; bầu không lông. Quả tròn, đường kính 4-6mm; hạt 1, tròn.
Hoa quả tháng 12.
Bộ phận dùng: Rễ, thân dây - Radix et Caulis Embeliae Pulchellae.
Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Cây mọc ở rừng Ninh Bình và Lâm Ðồng (Ðà Lạt).
Tính vị, tác dụng: Vị chát, hơi đắng, tính bình; có tác dụng trừ thấp bổ thận, thông kinh hoạt lạc, bổ huyết điều kinh.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Vân Nam (Trung Quốc) cây được dùng trị: Chứng không đậu thai, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau lưng gối, đòn ngã tổn thương, gãy xương, viêm ruột mạn tính.
Ghi chú: Cây Rè hoa thưa hay Ðương quy đằng Embelia parviflora Wall. ex A. DC. của Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Inđônêxia và có phân bố ở Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Nghệ An tới Gia Lai có rễ và cành già được sử dụng với tác dụng thông kinh hoạt huyết, trừ thấp bổ thận... cũng được dùng như loài trên.
Hình ảnh mặt sau của lá cây Rè đẹp, Chua ngút hoa đẹp - Embelia pulchella Mez
Thông tin từ Sách đỏ Việt Nam thì cây có tên như sau
THIÊN LÝ HƯƠNG
Embelia parviflora Wall. ex A. DC. 1834.
Embelia myrtifolia Hemsl & Mez, 1901
Embelia pulchella Mez, 1902.
Họ: Đơm nem Myrsinaceae
Bộ: Trân châu Primunales
Đặc điểm nhận dạng:
Bụi leo, dài 3 m trở lên. Cành mảnh, thường xếp thành 2 hàng, có lông màu rỉ sắt dày đặc. Lá nhỏ xếp thành 2 hàng, hình trứng, cỡ 1 - 2,5 x (0,6)1 - 1,2 cm, đầu tù hoặc tròn, gốc tròn hoặc bằng, có lông màu rỉ sắt ở mặt dưới và trên các gân; mép nguyên, cuống lá dài 1 mm hoặc ngắn hơn, có lông, gân chính nổi rõ, gân bên rất mờ. Cụm hoa hình tán hoặc xim ở nách lá, dài 0,5 - 1 cm, có lông, thường có lá bắc xếp lợp ở gốc; cuống hoa dài 2 mm, lá bắc hình mác hoặc hình dùi, có lông quanh mép, ngắn hơn cuống hoa. Hoa nhỏ, màu trắng, mẫu 5. Lá đài hình trứng hoặc hình mác, hợp ngắn ở gốc, nhọn, có điểm tuyến và lông mi quanh mép. Cánh hoa hình trứng hoặc thuôn, gần rời, đầu tù hoặc tròn, dài 1,5 - 2 mm, gần phía đầu có điểm tuyến. Nhị ở hoa cái tiêu giảm nhiều. Hoa đực có chỉ nhị dài bằng hoặc dài hơn cánh hoa; bao phấn lưng có điểm tuyến thưa thớt. Vòi ở hoa đực tiêu giảm nhiều hoặc không có vòi. Hoa cái vòi dài bằng cánh hoa. Quả hạch hình cầu, đường kính 5 mm hoặc nhỏ hơn, màu hồng, ít nhiều có điểm tuyến. Hạt 1.
Sinh học và sinh thái:
Mùa hoa tháng 10 - 5 (năm sau), có quả tháng (5 - 12). Tái sinh bằng hạt. Mọc rải rác trong rừng hỗn giao, rừng lá rộng thường xanh, trảng cây bụi, sườn đồi, đất giàu mùn, ở độ cao 300 - 1800 m.
Phân bố:
Trong nước: Cao Bằng, Lạng Sơn (Văn Lãng: Khao Khú), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hoà Bình (Đà Bắc), Ninh Bình, Nghệ An (Quỳ Châu: Kẻ Can), Kontum (Ngọc Linh), Gia Lai (Măng Giang: Đắk Đoa), Lâm Đồng (Đà Lạt).
Thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc (Hải Nam, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, ...), Mianma, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia.
Giá trị:
Rễ và toàn bộ dây leo già dùng làm thuốc trị vô sinh, thông kinh, khí hư, đau lưng, đau gối, gãy xương, viêm ruột mãn tính.
Tình trạng:
Tuy loài có khu phân bố rộng, nhưng nơi cư trú rất rải rác và bị chia cắt, số lượng cá thể ít do nạn phá rừng và khai thác (chặt cả dây làm thuốc).
Phân hạng: VU A1a,c,d+2d.
Biện pháp bảo vệ:
Bảo vệ loài trong tự nhiên, không chặt phá rừng bừa bãi làm mất môi trường sinh thái cũng như khai thác cả dây làm thuốc. Thu thập về trồng trong các vườn thuốc và vườn thực vật.
Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 291.