"Đây là tấm gương nhân ái hết lòng phục vụ bệnh nhân nghèo mà chúng tôi hết sức trân trọng, từ đó đã nhân rộng điển hình nầy để nhiều người làm theo. Trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn thì việc làm của dì út đã góp phần giảm bớt áp lực của xã với bà con không may đau ốm và người nghèo”. Ông Đặng Văn Nhàn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống y học cổ truyền. Năm 1983, bà Nguyễn Ngọc Nữ (Út Nữ, sinh năm 1950) quyết định chuyển nghề từ lĩnh vực giáo dục sang học các khóa y học cổ truyền để có thời gian và điều kiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo miễn phí tại địa phương.
Lương y Nguyễn Ngọc Nữ đang khám bệnh
Bà Nữ kể cơ duyên đến với việc làm nhân ái của mình suốt hơn 36 năm qua: “Năm đó thấy một người bệnh hiểm nghèo không tiền chạy chữa nên đã qua đời. Tôi nguyện với lòng phải tìm mọi cách để mở một điểm khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Điều rất may mắn là người bạn đời và 3 đứa con ủng hộ ý kiến nầy. Vậy là tôi xin phép thành lập tổ đông y xã, toàn bộ kinh phí xây dựng đều do gia đình đóng góp”.
Để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, lương y Nguyễn Ngọc Nữ đã nghiên cứu rất nhiều tư liệu có liên quan đến y học cổ truyền. Những ngày không khám bệnh, bà Nữ cùng 13 thành viên tự nguyện chia nhau đi tìm cây dược liệu ở các tỉnh ĐBSCL như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long…về chế biến thành đông dược phục vụ bệnh nhân.
Chị Nguyễn Thị Hồng, tình nguyện viên tại phòng khám từ hiện nầy đã 10 năm kể: “Thấy dì Út làm chuyện từ thiện. Tôi rất xúc động nên tình nguyện đến đây hỗ trợ. Mà không chỉ có tui mà có hàng chục người khác ở nhiều nơi đến làm việc không nhận bất kỳ khoản bồi dưỡng nào. Dì Út tuổi đã cao mà còn cống hiến như vậy thì cớ gì mình không làm theo được chớ. Mà đâu có vậy, dì còn khuyên dậy chúng tôi àm lành, lánh dữ, sống tử tế với mọi người xung quanh nữa đó ”.
Tiếng lành đồn xa về khả năng chữa bệnh rất mát tay của lương y Nguyễn Ngọc Nữ nên hiện nay mỗi ngày phòng khám nầy tiếp nhận, điều trị, cấp phát thuốc miễn phí từ 50 đến 80 bệnh nhân đến từ các địa phương như : Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau…. (phòng khám làm việc vào buổi sang các ngày thứ 2 và 6 hàng tuần)
Bà Võ Thị The, ngụ huyện Trần Văn Thời, tình Cà Mau phấn khởi nói: “Tôi bị bệnh đau khớp đã 7 năm qua chạy chữa nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Nghe nhiều người chỉ dẫn, tôi đến đây điều trị đã 3 tháng, kết quả rất khả quan. Mừng lắm. Từ đó mỗi lần tới đây tái khám tôi luôn mang theo nhiều loại cây thuốc Nam để tặng phòng khám xem như là đền ơn dì Út”.
Để duy trì phòng khám bệnh miễn phí nầy, lương y Nguyễn Ngọc Nữ đã cùng các thành viên thành lập tổ chuyên trồng cây thuốc Nam trong vườn nhà. Riêng bà Nữ còn tự canh tác trên 4 công mỗi công là 1.000 mét vuông) trồng cây ngò gai để có kinh phí “bù lỗ” vào các hoạt động của phòng khám bình quân mỗi năm từ 40 đến 50.000.000 đồng. Chúng tôi đã làm 1 phép tính đơn giản, với số lượng như hiện nay, mỗi năm đã có gần 5.000 ca bệnh đến đây; cũng có nghĩa là trong 36 năm qua đã có hàng trăm ngàn bệnh nhân được phòng khám điều trị miễn phí.
Thấy được việc làm nhân ái của mẹ mình, 3 người con ngoài việc tiếp giúp việc trồng trọt của bà còn tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu để hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho phòng khám
Không chỉ có việc khám bệnh, hốt thuốc miễn phí cho người nghèo, bà Út Nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện nhân đạo tại địa phương như: vận động quà hỗ trợ hộ khó khăn, tích cực tham gia hỗ trợ chương trình “Khát vọng sống”, vận động vật tư để sửa chữa các tuyến lộ nông thôn…
Quá nhiều việc thiện đến vậy nhưng khi hỏi về số lượng ca bệnh đã khám suốt 36 năm qua, hỏi về số tiền đã giúp các hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em lang thang cơ nhỡ; hỏi về những ngôi nhà tình thương; những cây cầu, đoạn đường giao thông mà bà đã vận động thực hiện, bà chỉ trả lời rất giản đơn: “Nhớ làm chi. Ghi chép làm chi. Được phục vụ người nghèo là hạnh phúc lớn nhất, đầy đủ nhất của đời tôi. Bấy nhiêu là đủ rồi”.
Song Anh / Theo GHPGVN