Ung thư tụy sở dĩ khó chữa khỏi chủ yếu là vì các dấu hiệu ban đầu của bệnh rất mờ nhạt
Ung thư tụy lan nhanh chóng
Ung thư này lan nhanh chóng vì vị trí của nó: tụy nằm sau trong vùng bụng và lân cận các cơ quan trọng yếu khác của cơ thể.
Tuyến tụy sản xuất các men giúp tiêu hóa và các hormone kiểm soát mức đường huyết của chúng ta. Khi một khối u xuất hiện trong tụy, nó có thể dễ dàng lan ra các phần khác của cơ thể.
Các tế bào ung thư tụy cực kỳ “mạnh và hung hãn”. Thậm chí các khối u nhỏ cũng có thể lan sang các cơ quan khác trước khi bệnh được chẩn đoán - theo TS.Timothy Donahue, chuyên gia phẫu thuật ung bướu trường Y khoa David Geffen (UCLA).
Yếu tố nguy cơ gây ung thư tụy
Hơn 56.000 người tại Hoa Kỳ được chẩn đoán ung thư tụy trong năm 2019, theo PanCan. Theo nhóm nghiên cứu này, các yếu tố nguy cơ bao gồm các dạng tiểu đường mãn tính, viêm tụy mãn và viêm tụy di truyền, hút thuốc lá, do cao tuổi, béo phì và chế độ ăn có hàm lượng cao thịt đỏ và thịt chế biến công nghiệp.
Các dấu hiệu ban đầu của ung thư tụy thường không rõ ràng nên sẽ khó được can thiệp kịp thời. Các dấu hiệu của bất ổn tụy có thể là đau bụng hay đau lưng, sút cân, ăn không ngon miệng, nôn ói. Vàng da cũng có thể là một dấu hiệu bệnh nếu các khối u làm đóng tắt ống dẫn dịch ở đầu tụy.
Tỉ lệ sống sót trong 5 năm khi mắc ung thư tụy đã tăng từ 4% lên đến 9%. Đây là một tiến bộ đáng mừng. Ung thư tụy cũng có thể liên quan đến biến đổi gene trong các gene BRCA, tương tự với ung thư vú.
Các chuyên gia ung thư cũng đang thử nghiệm việc kết hợp hóa trị và điều trị ung thư trước khi phẫu thuật với hy vọng sẽ có thể nâng tỉ lệ sống sót lên gấp đôi, tức từ 10 - 20 năm và sẽ có giải pháp để ngăn chặn sự lan nhanh của bệnh.
Đức Hòa (theo Reader’s Digest) / Theo giác ngộ