Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á gọi tên 2 người Việt

Hai nhà khoa học Việt Nam được vinh danh trong danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á vì thành tích xuất sắc trong lĩnh vực y học và sinh học.

Tạp chí khoa học Asian Scientist vừa công bố danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á vì những cống hiến và thành tích của họ trong các lĩnh vực nghiên cứu. Người được bình chọn vào danh sách phải có giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế trong năm 2018 cho nghiên cứu khoa học quan trọng.

Danh sách năm nay xướng tên hai nhà khoa học đến từ Việt Nam, đó là Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc - Công nghệ gen Vinmec thuộc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec.

Giáo sư Liêm là bác sĩ hàng đầu trong mảng phẫu thuật nội soi khoa nhi, đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện mổ nội soi cho trẻ em vào năm 1997, là người tiên phong ghép nội tạng cho trẻ em tại bệnh viện, trực tiếp phẫu thuật 5 ca song sinh dính liền thuộc dạng khó và hiếm gặp vào 15 năm trước.

Danh sách các nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2019 vinh danh hai nhà khoa học người Việt Nam.

Ngoài thực nghiệm, ông cũng là tác giả của gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín ở Mỹ và châu Âu. Tác phẩm nghiên cứu mới đây nhất của ông công bố về giải trình tự gene của người Việt, cho thấy sự độc lập về mặt di truyền phản ánh sức đề kháng rất cao của người Việt và khác xa hệ gene của người Hán.

Ông được trao giải thường Nikkei châu Á về khoa học công nghệ vào tháng 6 năm ngoái. Với công việc hiện tại ở viện nghiên cứu, ông là người tiên phong trong các liệu pháp tế bào gốc cho các bệnh như bại não và tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: AS.

Người Việt thứ hai được vinh danh trong danh sách này là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, hiện là trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM. Tiến sĩ Hiệp đã nhận được giải thưởng L'Oréal - UNESCO dành cho phụ nữ về khoa học quốc tế vào năm 2018 vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô.

Giáo sư Liêm (thứ hai từ trái sang) cùng Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe tại Lễ trao giải Nikkei châu Á năm 2018. Ảnh: FBNV.

Chị cũng từng được trao giải nhất Giải thưởng ASEAN- US - 2017 về Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh - mảng Sức khỏe cộng đồng, ASEAN-2017.

Với hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô, tiến sĩ 8X đã có 26 công bố khoa học thuộc ISI, 6 công bố khoa học thuộc Tạp chí Quốc tế, 6 bài báo trong nước và hơn 40 bài báo khoa học trong các Hội nghị Quốc tế.

Nữ tiến sĩ 8X từ bỏ cơ hội tốt ở nước ngoài để về Việt Nam phục vụ cho đất nước. Ảnh: AS.

Tạp chí Asian Scientist bắt đầu tổ chức bình chọn và công bố danh sách các nhà khoa học tiêu biểu châu Á từ năm 2016. Từ đó đến nay, tạp chí vẫn đều đặn thực hiện việc này qua mỗi năm để vinh danh những nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu, đổi mới và có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực.

Tính đến năm 2019, đã có 7 người Việt Nam xuất sắc lọt vào danh sách này. Trước Giáo sư Liêm và Tiến sĩ Hiệp, danh sách này còn ghi nhận GS. TS. Phan Thanh Sơn Nam, PGS. TS Nguyễn Sum...

Theo khám phá