Dịch bệnh tấn công cây trồng
Hiện bệnh sâu keo mùa thu đang hoành hành dữ dội trên các cánh đồng ngô của nhiều địa phương. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 22/7, diện tích ngô cả nước đang bị phá hoại bởi sâu keo là 16.464 ha, tăng 1.561 ha so với tuần trước. Diện tích nhiễm lớn nhất là Bắc bộ và Nam Trung bộ - Tây Nguyên, chiếm trên 94%.
Sâu keo lây lan nhanh, thiệt hại lớn
Vừa qua tại tỉnh Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sâu keo mùa thu là sinh vật ngoại lai mới xuất hiện nhưng đã có ở 36 tỉnh, thành. Nông dân gọi sâu này là sâu tằm vì ăn khỏe như tằm, gây hại lớn và rất nhanh kháng thuốc.
Thời vụ trồng ngô kéo dài, liên tục xuống giống quanh năm tạo điều kiện cho nguồn sâu keo lây lan từ vụ trước sang vụ sau. Hiện nay, ngô hè thu chủ yếu đang ở giai đoạn ngô non. Nhiều khó khăn trong phòng chống sâu keo vì sâu non có nhiều độ tuổi khác nhau, sâu trưởng thành đẻ trứng rải trong khoảng 2 tuần khiến trứng nở rải rác nên hiệu quả của thuốc bị giảm.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, sâu keo mùa thu có khả năng lây lan và tàn phá nhanh cây ngô. Vì vậy các địa phương cần tập trung tuyên truyền, đặc biệt là Chỉ thị 4962 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường phòng, chống sâu keo mùa thu để chính quyền và người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của loài sâu hại này.
"Đối với các đơn vị của Bộ, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các thí nghiệm, thực nghiệm, đánh giá tình hình thực tế tại các địa phương, hoàn thiện các loại thuốc bảo vệ thực vật để khuyến cáo người dân sử dụng. Hiện nay, thí nghiệm bước đầu thì bả sinh học đã cho hiệu quả. Tôi đề nghị phải hoàn thiện và nghiên cứu một quy trình sử dụng cũng như mật độ đặt bả trên các ruộng ngô, nhanh chóng khuyến cáo giải pháp này cho người dân, vì đây là giải pháp vừa hiệu quả, vừa an toàn cho môi trường", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Đối với các diện tích ngô nhiễm sâu quá nặng, không có khả năng phục hồi, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cần phá bỏ, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, sẽ triệt tiêu được một lượng lớn trứng và sâu non. Tuy nhiên, vẫn sẽ còn tàn dư trên đồng ruộng, vì vậy cần có phương án xử lý đất. Cục Bảo vệ thực vật phối hợp cùng các viện nghiên cứu và các địa phương cần sớm tìm ra phương án, tránh trường hợp sâu còn tồn tại dưới dạng trứng và lây lan sang các vụ sau.
Phòng chống nhiều loại dịch bệnh
Theo Báo cáo mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật, dịch bệnh cũng đang gây hại cho nhiều loại cây trồng. Tính đến 22/7, diện tích lúa bị nhiễm rầy 10.456ha, lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn 25.829 ha, bệnh đạo ôn cổ bông 2.955 ha, lúa bị bệnh khô vằn 10.549 ha, bệnh đen lép hạt nhiễm 7.108 ha, bệnh bạc lá nhiễm 9.116 ha, bệnh sâu cuốn lá nhỏ 14.527 ha.
Với cây nhãn, vải, hiện có 2.416 ha đang bị bệnh chổi rồng. Cây thanh long bị bệnh đốm nâu với diện tích nhiễm 3.254ha. Với cây ăn quả có múi bị bệnh Greening diện tích nhiễm 856 ha, bị bọ cánh cứng hại diện tích 10.046ha. Dịch bệnh trên cây tiêu tuy đã giảm so với năm ngoái, nhưng vẫn rất căng thẳng.
Hiện diện tích cây tiêu bị bệnh tuyến trùng rễ là 5.102 ha, cùng với đó hiện 4.633ha tiêu bị bệnh chết chậm; 1.811 ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh. Diện tích cây cà phê bị bệnh khô cành hiện lên đến 9.539 ha; bệnh gỉ sắt bị nhiễm 8.302 ha. Cây chè bị bệnh bọ xít muỗi trên diện tích nhiễm 2.989 ha. Đối với cây điều, bọ xít muỗi đang gây hại với diện tích nhiễm 6.845 ha, bệnh thán thư diện tích nhiễm 9.433 ha, sâu đục thân cành nhiễm 2.234ha. Hiện cây sắn bị bệnh khảm lá virus với diện tích nhiễm 32.692ha.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị, các tỉnh phía Bắc cần thực hiện văn bản số 1673 của Cục Bảo vệ thực vật về việc giám sát rầy di trú theo gió bão để phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa. Các tỉnh miền núi phía Bắc tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống châu chấu tre lưng vàng.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung theo dõi diễn biến rầy nâu, bệnh đạo ôn hại trà lúa hè thu; chỉ đạo phòng chống kịp thời những diện tích có mật độ rầy, tỷ lệ bệnh cao.
Các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ chủ động biện pháp phòng chống các bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu; bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng và bọ xít muỗi, bệnh thán thư trên cây điều; bệnh thối cành, thối quả, bệnh thối rễ tóp cành trên cây thanh long.
Các tỉnh trồng sắn tiếp tục thực hiện tốt công văn về một số nội dung chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn. Cần theo dõi bệnh khảm lá virus, rệp sáp bột hồng hại sắn và bố trí cán bộ bám sát đồng ruộng, chỉ đạo tiêu hủy triệt để nguồn bệnh, tuyên truyền vận động người dân không sử dụng giống sắn ở trong vùng nhiễm bệnh làm giống cho vụ tới.
Theo vneconomy