Đừng mặc cảm khi sinh con bệnh tật

Tâm lí khá phổ biến của một số bà mẹ và người thân có con bệnh tật là sống trong những cảm giác thua thiệt, sợ hãi và tội lỗi. Từ sự thiếu hiểu biết về khoa học và nhân quả, nhiều người đã vô tình làm tổn thương chính mình và những người thân thương trong gia đình, nhất là người mẹ bất hạnh.

Hỏi: Bạch Thầy, con đang ở tột đỉnh của sự bất hạnh, đau đớn. Ngay sau khi sinh em bé được một thời gian ngắn, các bác sĩ đã chẩn đoán con trai của con (cháu đích tôn của nhà chồng con) bị hội chứng Down. Cách đây không lâu, con phát hiện ngoài Down ra cháu còn mắc hội chứng Tự kỷ. Con đã buồn rầu vô cùng, thương cháu, con chỉ biết khóc ròng. Nhưng vào lúc mà con cần sự quan tâm, chia sẻ động viên nhất thì nhà chồng và cả chồng con lại quay lưng lại với con và cháu bé. Họ nhiếc móc con hết lời, họ nói do kiếp trước con và cha mẹ con làm những điều xấu xa nên giờ mới sinh ra quái thai như vậy, họ còn tỏ thái độ muốn đuổi con và cháu bé về bên ngoại cho khuất mắt. Quê con ở tận Lạng Sơn, gia đình con nghèo lắm, bố mẹ con lại già yếu, bây giờ mà con đưa cháu bệnh tật về làm khổ ông bà ngoại thì con không nỡ nhưng nếu cứ tiếp tục sống trong gia đình nhà chồng thì bữa nào con cũng “cơm chan nước mắt”. Cháu bé là dòng giống nhà họ, nỡ nào họ đối xử tệ bạc đến vậy? Nếu không phải vì con của con thì con đã quyên sinh rồi, nhưng nếu con làm vậy ai sẽ chăm lo cho bé. Mong Thầy cho con lời khuyên để giúp con thêm nghị lực vượt qua thử thách khắc nghiệt này?

Bài liên quan: Độ mờ da gáy thai nhi bao nhiêu cảnh báo bé bị Down

Đáp:

Không nên đổ lỗi cho kiếp trước

Dù chủ trương có kiếp luân hồi và tin vào nhân quả nhưng đạo Phật không cho rằng tất cả những nỗi khổ niềm đau và sự bất hạnh của ta ở kiếp này là hậu quả của kiếp trước. Đổ lỗi cho kiếp trước sẽ làm cho bất hạnh trở nên phức tạp hơn, khó kết thúc hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hiện tại nhiều hơn.

Theo Đức Phật, tìm kiếm nguyên nhân và hỗ trợ duyên của những đau khổ và bất hạnh ở hiện tại sẽ giúp ta giải quyết các vấn nạn một cách có hiệu quả và dứt điểm. Hãy áp dụng công thức “truy tìm nguyên nhân để khắc phục hậu quả” này vào trường hợp con chị bị hội chứng Down và hội chứng Tự kỷ. Trước nhất chồng và ông bà nội không nên đổ lỗi cho người mẹ bất hạnh và gia đình bên vợ “làm những điều xấu xa nên giờ mới sinh ra quái thai như vậy”. Sự ngộ nhận và thái độ quy kết sai lầm này chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và người mẹ khổ tâm sẽ bị suy sụp tinh thần, sống trong trầm cảm và bế tắc nhiều hơn. Theo khoa học, hội chứng Down thường xuất hiện với các bà mẹ trung niên như là kết quả của sự dư thừa một nhiễm sắc thể số 21 (thay vì 2 mà trở thành 3) ở thai nhi, làm suy yếu khả năng nhận thức và sự phát triển thể chất của trẻ, kéo theo một số chứng bệnh khác. Tự kỷ là hội chứng rối loạn tâm thần về tương tác xã hội và rập khuôn trong các hành vi ứng xử, tạo ra sự thờ ơ, ít quan tâm đến người khác và ứng xử khác lạ với người xung quanh. Nếu được phát hiện sớm (trước 3 tuổi) và có hỗ trợ tích cực từ cha mẹ và người thân, hội chứng Tự kỷ có thể được khắc phục ở mức độ tương đối, người bệnh có thể hồi phục chức năng ứng xử và có đời sống xã hội bình thường.

Do đó, thay vì đổ lỗi, quy tội cho người mẹ khổ đau và gia đình vợ, tốt nhất gia đình hai bên nên thể hiện sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn trẻ hội chứng Down và Tự kỷ hơn các các trẻ bình thường khác, nhằm giúp cháu được quyền sống như một người bình thường.

Bài liên quan: Hãy Tôn trọng sự sống của thai nhi

Nhu cầu được làm người và được tôn trọng

Phật giáo không khích lệ các hình thức phá thai, ngay cả trong tình huống phôi bị dị tật bẩm sinh, bị hội chứng Down hay Tự kỷ, mà sau khi sinh ra, trẻ phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của người thân và xã hội trọn đời. Phật giáo tôn trọng sự sống và cho rằng sự sống của con người là quý giá hơn hết. Đừng vì lí do con bị dị tật mà cha mẹ và người thân của trẻ quyết định hủy hoại mạng sống của người vốn có nhiều bất hạnh và đáng thương hơn những người khác. Cần nhận thức rõ, người có hội chứng Tự kỷ cũng là một con người, với đầy đủ các quyền và nhu cầu cần được tôn trọng, như tất cả mọi người khác. Nhân phẩm, hạnh phúc và sự phát triển của người bị hội chứng Down và Tự kỷ lệ thuộc vào quan niệm, thái độ, cách chăm sóc, giáo dục và kinh nghiệm ứng xử của cha mẹ và họ hàng hai bên. Do đó, đừng vô tình hay cố ý tạo thêm bất kỳ bất hạnh nào cho người bị bất hạnh kép gồm hội chứng Down và Tự kỷ. Các em bé và người lớn bị hai hội chứng này cần có nhu cầu được yêu thương, chăm sóc đặc biệt và đầy đủ hơn những người bình thường.

Cha mẹ và gia đình hai bên, thay vì đổ lỗi cho nhau, gây sự bất hòa, hãy chung vai sát cánh giúp trẻ dị tật được thương yêu, chăm sóc, học hỏi và phát triển, nhằm bù đắp lại những bất hạnh đã có trên cơ thể trẻ.

Các tiến bộ về chăm sóc y khoa hiện đại có thể giúp cho trẻ có hội chứng Down và Tự kỷ khắc phục được các yếu kém về sức khỏe, nâng cao khả năng nhận thức và học tập để hòa nhập cộng đồng, có đời sống xã hội bình thường, được đi học, sống độc lập, được làm việc, có người yêu, thậm chí có thể kết hôn và sống hạnh phúc.

Các trợ giúp từ gia đình, người thân và cộng đồng trong tình huống này sẽ tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật được học tập và chăm sóc sức khỏe đặc biệt để trẻ có thể trở nên tự tin, hướng ngoại, chơi thể thao, thưởng thức thẩm mỹ như người bình thường trong quá trình trưởng thành.

Bài liên quan: Khi chán nản và thất vọng, muốn chấm dứt cuộc sống, tôi có thể làm gì, Hãy chia sẻ điều này

Hãy xóa bỏ mặc cảm thua thiệt và tội lỗi

Tâm lí khá phổ biến của một số bà mẹ và người thân của người bị hội chứng Down và hội chứng Tự kỷ là sống trong những cảm giác thua thiệt, sợ hãi và tội lỗi. Từ sự thiếu hiểu biết về khoa học và nhân quả, nhiều người đã vô tình làm tổn thương chính mình và những người thân thương trong gia đình, đặc biệt là người mẹ bất hạnh.

Với tư cách làm cha, chồng chị không nên mặc cảm về đứa con không như ý, dù sao thì đó cũng là một phần máu thịt của anh. Sự đồng cảm và nâng đỡ tinh thần của chồng trong tình huống này rất cần thiết, một mặt giúp vợ vượt qua khổ đau, mặt khác giúp gia đình mình không “quay lưng lại” với đứa con bất hạnh. Thái độ hài lòng với hiện thực về đứa bé dị tật sẽ giúp cho người cha thương yêu và chăm sóc cho con cái nhiều hơn, thay vì ghét bỏ máu mủ của mình, từ đó, “giận cá chém thớt” với người vợ từng chia ngọt sẻ bùi trong đời sống gia đình.

Với tư cách là ông bà, cha mẹ chồng không nên phân biệt đối xử với đứa cháu có hội chứng Down và Tự kỷ. Hãy ứng xử bình đẳng với đứa cháu bất hạnh này như bao nhiêu đứa cháu khác. Hành động hiểu biết và khôn khéo này có giá trị xây dựng hạnh phúc cho con trai và con dâu của mình. Thái độ “đối xử tệ bạc” và “nhiếc móc hết lời” con dâu và đứa cháu bất hạnh, cũng như hành động “đuổi con dâu và cháu bé về bên ngoại cho khuất mắt” không phải là giải pháp hợp với luân thường đạo lý, mà ngược lại chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và nghèo nàn về tình người, vốn còn tệ bạc hơn bệnh Down và Tự kỷ ở đứa cháu vốn không có được sự lựa chọn sức khỏe cho chính mình khi còn là phôi và lúc được sinh ra. Khi hiểu được cháu nào cũng là cháu mình, ông bà nội nên thương đứa cháu khuyết tật nhiều hơn, sống có tình nghĩa hơn và thể hiện tình thương đặc biệt với đứa cháu bất hạnh hơn.

Bài liên quan: Muốn có cuộc sống viên mãn, Đức Phật khuyên hãy bỏ 4 điều này

Trong khi chờ đợi sự mầu nhiệm về hạnh phúc có mặt trở lại trong gia đình, với tư cách làm mẹ, vì là máu mủ của mình, chị hơn bao giờ hết phải trân quý mạng sống của con mình, không nên để cảm giác tiêu cực như “buồn rầu”, “khóc ròng” ngự trị trong tâm khảm. Cảm giác tuyệt vọng chẳng những không thể làm thay đổi hiện thực về đứa con có hội chứng Down và Tự kỷ, mà còn làm cho chị trở nên khổ đau bội phần và trầm cảm nhiều hơn. Từ đó, chị có những suy nghĩ tiêu cực và đòi “quyên sinh” – vốn là điều nên tránh. Thực tập thiền từ bi trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy mỗi ngày, sẽ giúp chị có thêm nhiều nghị lực, vượt qua nỗi đau nghiệt ngã đồng thời tăng trưởng tình thương yêu và chăm sóc con chị đặc biệt với nỗi niềm hạnh phúc của một người mẹ có tình thương và trách nhiệm. Lối sống từ bi này trước sau gì cũng góp phần thay đổi nhận thức tiêu cực của chồng và gia đình chồng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ

Theo phatgiao.org.vn