Trước thực trạng đó, nhiều giống cây, con mới đã được thử nghiệm, trong đó có rau được xem là có nhiều lợi thế phát triển, cho thu nhập cao.
Ông Đào Văn Hai (ấp Trầu, xã Phước Thiền) là người có thâm niên trồng rau nhút lâu năm nên am hiểu về cách trồng sao cho loại rau này nhanh lớn và bán được giá. Hiện ông Hai đang trồng 0,7 hécta rau nhút, trung bình mỗi ngày ông thu được trên 50kg. Với giá bán bình quân 25 ngàn đồng/kg, ông thu về hơn 1 triệu đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí công, phân bón, ông lời khoảng 800 ngàn đồng.
Ông Hai cho biết, để có những mảng rau nhút tươi tốt, đọt vươn dài thì phải biết mùa nào bón phân gì cho phù hợp. Theo đó, mùa khô, độ mặn trong nước tăng thì sử dụng phân PK. Khi có mưa, độ mặn giảm thì bón phân đạm (urê) để bổ sung chất dinh dưỡng. Còn khi mưa nhiều thì không cần bón phân. Sau mỗi lần thu hoạch thì rải phân, sau 3 lần thu hoạch thì tỉa và xê dịch gốc rau ra vị trí khác để cây lớn nhanh hơn. Cây rau nhút phát triển nhanh ở ao, ruộng trũng, độ cao nước 50-80cm, nước lưu thông thường xuyên.
Cũng chuyển đổi từ 0,5 hécta lúa sang trồng rau nhút, ông Lê Văn Thường (ngụ ấp Trầu, xã Phước Thiền) cho biết, mỗi tháng gia đình ông lời khoảng 5 triệu đồng, bằng thu nhập cả vụ lúa.
Theo ông Thường, khi nước trong ao bị nhiễm mặn, năng suất lúa giảm, ông đã thử trồng sen, rau muống nhưng chỉ đến cây rau nhút ông mới hài lòng. “Rau nhút dễ trồng, cắm nhành cây già xuống khoảng 1 tháng là được thu hoạch. Cách 1-2 tuần được cắt một lứa, mỗi lứa cắt được khoảng 4 triệu đồng. Vừa có tiền chi tiêu vừa không lo mất mùa do ảnh hưởng thời tiết như làm lúa” - ông Thường cho hay.
Hiện tại, rau nhút đang được trồng tại các xã Long Tân, Phú Hội và nhiều nhất là xã Phước Thiền với hơn 10 hécta. Cây rau nhút dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với vùng bị nhiễm mặn. Thêm vào đó, đầu ra thuận lợi, giá cả ổn định là những lý do để người dân mạnh dạn chuyển cây trồng, mở rộng diện tích.