Thuốc trị virus corona của Nhật hiệu quả ra sao?

Vào ngày 4/4, Asian Nikkei Review đưa tin, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng cung cấp miễn phí thuốc có thể điều trị virus corona cho các quốc gia. Thuốc Favipiravir được đăng ký thương mại với tên Avigan, là dược phẩm chống virus phát triển bởi hãng Toyama Chemical, công ty con của Fujifilm Holdings.

Thuốc Avigan đã chứng minh có hiệu quả trong điều trị virus corona ở Trung Quốc.

Theo Wired, đây là loại thuốc do Bộ trưởng Y tế Nhật Katsunobu Kato trực tiếp "đặt hàng" công ty hóa chất Toyama Chemical của Fujifilm để đối phó với dịch Covid-19 từ cuối tháng 2, khi nước này mới có 130 người nhiễm bệnh. Ông Kato muốn tìm một loại thuốc có sẵn mà có thể chống lại virus, và thuốc cúm Avigan là lựa chọn của Nhật Bản.

Chỉ sau vài tuần, Avigan đã được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng tại nhiều bệnh viện ở Nhật để chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngày 28/3, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố loại thuốc này đang được chính phủ xem xét đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 chính thức.

Được dùng tại Trung Quốc, sắp thử nghiệm ở Mỹ

Hiện tại Avigan vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, dự kiến kết thúc vào tháng 6. Tuy nhiên, dữ liệu sử dụng loại thuốc này từ Trung Quốc cho thấy những kết quả tích cực khi áp dụng vào điều trị Covid-19.

Tại Trung Quốc, Favipiravir (được đăng ký thương mại với tên Avigan) đã chứng minh hiệu quả tại nhiều bệnh viện ở Vũ Hán và Thâm Quyến. Ông Zhang Xinmin, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ sinh học quốc gia thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc cho biết loại thuốc này "rất an toàn và cho hiệu quả rõ ràng" khi điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Tại một bệnh viện ở Thâm Quyến, ông Zhang cho biết bệnh nhân được điều trị bằng Favipiravir cho kết quả âm tính sau trung bình 4 ngày, trong khi nhóm đối tượng sử dụng phương pháp điều trị khác cho kết quả trung bình là 11 ngày. Trong nghiên cứu thực hiện tại Vũ Hán, bệnh nhân điều trị bằng thuốc này giảm sốt sớm hơn 2 ngày so với nhóm sử dụng thuốc khác.

Mặc dù số lượng mẫu chưa đủ để kết luận những nghiên cứu trên chỉ ra Favipiravir cho hiệu quả với virus corona tương đồng nhiều loại virus cúm khác. Không giống với phần lớn thuốc trị cúm sử dụng chất ức chế neuraminidase, Avigan ngăn chặn các gen của virus nhân rộng trong tế bào bị nhiễm bệnh. Nhờ vậy, Favipiravir rất hiệu quả khi sử dụng sớm trong quá trình điều trị, thời điểm mà nồng độ virus trong cơ thể vẫn ở mức thấp.

Theo ông Abe, Nhật sẽ "đẩy mạnh sản lượng và hợp tác với nhiều quốc gia để nghiên cứu lâm sàng" đối với loại thuốc này. Mặc dù ông không chỉ rõ quốc gia nào, Politico cho biết Fujifilm đã làm việc với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) để thử nghiệm Avigan. Ông Abe thậm chí đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về loại thuốc này.

Từng chứng minh tác dụng chặn dịch Ebola

Favipiravir được cấp phép từ năm 2014, sau đó được sử dụng tại Tây Phi, nơi dịch Ebola bùng phát và khiến hàng nghìn người tử vong. Loại thuốc này được Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Bác sĩ không biên giới cấp phát cho những người bệnh ở châu Phi, trừ phụ nữ mang thai vì có nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng phụ của Favipiravir với đối tượng này.

Theo một nghiên cứu được tiến hành tại Guinea, khi sử dụng cho bệnh nhân có nồng độ virus thấp tới trung bình, Favipiravir giảm tỷ lệ tử vong vì Ebola từ 30% xuống còn 15%.

Tại Trung Quốc, Zhejiang Hisun Pharmaceutical, đối tác sản xuất thuốc của Fujifilm đã được cấp phép để cung cấp Favipiravir cho phác đồ điều trị từ tháng 2. Tới cuối tháng 3, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng, Trung Quốc đã xuất khẩu loại thuốc này tới nhiều nước. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết một "loại thuốc đặc biệt" từ Trung Quốc đang được ứng dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 ở nước này.

Mặc dù chưa kết thúc thử nghiệm lâm sàng tại nước mình, Nhật Bản cũng sẵn sàng để các quốc gia khác sử dụng Avigan cho điều trị Covid-19. Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga trong một cuộc họp báo cho biết có tới 30 quốc gia đã đặt mua thuốc Avigan thông qua các kênh ngoại giao. "Chúng tôi đang sắp xếp để cung cấp thuốc miễn phí," ông Suga nói.

Việc để các quốc gia khác sử dụng cũng giúp mở rộng nghiên cứu lâm sàng với loại thuốc này. Tại thời điểm họp báo, ông Suga cho hay Nhật chỉ có 2.617 ca nhiễm, tương đối ít so với tổng hơn một triệu ca trên toàn thế giới và điều này khiến các thử nghiệm lâm sàng diện rộng trở nên khó khăn.

Nguồn: http://vietq.vn/thuoc-tri-virus-corona-cua-nhat-hieu-qua-ra-sao-d172205.html