Xoa hai tay vào nhau, tôi chợt nhớ là không nên chạm tay vào mặt nên thôi, cứ thế mà xả thiền. Thầm nghĩ, giờ này, khắp trên thế giới, hàng trăm, thậm chí hàng triệu người, cũng vừa xả thiền, giống tôi. Lòng nhẹ nhàng, lâng lâng một niềm hỷ lạc.
Trước đó hai hôm, tôi đọc được lời mời tham dự sự kiện thiền chung toàn thế giới trên Facebook của một người bạn. Nội dung lời mời có đoạn: “Mời thiền chung từ 9g30 - 10g30 AM (giờ VN) ngày Chủ nhật 5-4-2020.
Đây là sự kiện kêu gọi một triệu thiền nhân thuộc tất cả các truyền thống thiền trên khắp thế giới cùng hành thiền để lan tỏa năng lượng an lành khi mùa cúm Corona sắp đạt đỉnh điểm càn quét toàn nhân loại.
Hãy cùng tham gia với chúng tôi. Hãy dành chỉ 1 giờ trong cuộc đời quý vị để chia sẻ lợi lạc đến mọi người. Hãy share thông điệp này vì sự an lành của tất cả chúng ta”.
Bức thông điệp còn kèm clip hướng dẫn thiền căn bản theo phương pháp Anapana (quan sát hơi thở) của cố Thiền sư Goenka cho những ai chưa biết kỹ thuật hành thiền.
Năm 2007, tôi lần đầu tham dự khóa thiền Vipassana 10 ngày theo hướng dẫn của Thiền sư Goenka tại Ấn Độ. Bấy giờ, trên thế giới đã có khoảng 250 trung tâm thiền như thế.
Sau hơn 10 năm, số trung tâm ấy có lẽ đã tăng lên rất nhiều. Tại Việt Nam cũng đã có không dưới 2 trung tâm thiền theo hệ thống này. Các khóa thiền hầu như liên tục được tổ chức và phải đăng ký trước đó khá lâu mới có chỗ. Nhẩm tính, số thiền sinh tham dự các khóa thiền này rất đông, trong đó có rất nhiều người thuộc các tôn giáo khác.
Sự kiện thiền chung này kêu gọi các thiền giả đến từ các truyền thống thiền khác nhau; nhờ vào sự lan tỏa của các phương tiện truyền thông hiện đại, sự kết nối dễ dàng giữa những người sử dụng phương tiện ấy, cùng với sự liên lạc khá chặt chẽ giữa những thành viên trong các hội nhóm, nên tôi nghĩ con số người tham dự sẽ rất lớn.
Liên lạc những người bạn từng chia sẻ lời mời tham dự sự kiện, tôi đều nhận được tin vui là họ đều dành một giờ để tham gia sự kiện thiền chung này. Họ là những người Việt ở nhiều nơi trên thế giới: Việt Nam, Mỹ, Úc, Sri Lanka… Thông qua Facebook của những người này, tôi còn biết thêm nhiều người bạn của họ cũng tham dự, mặc dù có người không thể ngồi trọn 60 phút vì lần đầu tiên trong đời họ thực hành thiền.
Không rõ lời mời này xuất phát từ đâu, nhưng trên trang thebalitimes.com của Indonesia, vào ngày 4-4 cũng đăng tải thông tin lời mời này: Millions of people to join mass MEDITATION to Heal the World from Covid-19 Sunday April 5 - hàng triệu người tham gia thời thiền chung để chữa lành thế giới trong đại dịch Covid-19, Chủ nhật, ngày 5-4.
Bạn tôi đã không kìm được cảm xúc khi cho tôi hay bạn vẫn thường xuyên hành thiền tại nhà. Nhóm của bạn gồm nhiều thành viên, phần lớn đã từng tham dự các khóa thiền ở nhiều trung tâm khác nhau, họ liên lạc với nhau qua một group trên Facebook, đặt ra các thời khóa trong ngày, gồm: 8g-9g, 14g30-15g30, 18g-19g, ai tham dự vào giờ nào thì tùy duyên, mà ít nhất phải mỗi ngày một khóa. “Nhưng trong thời thiền chung toàn thế giới này, mình cảm nhận một năng lượng rất khác. Như thể thế giới này là một thiền đường rộng lớn, và mình đang ngồi cùng lúc với nhiều người bạn khác, hàng trăm, hàng triệu người, nguyện cùng hồi hướng năng lượng bình an này đến với toàn thể nhân loại, cầu cho thế giới sớm bước qua đại dịch”, bạn chia sẻ.
Có lẽ không cần phải nói thêm về lợi ích của thiền trong việc chữa trị tâm bệnh lẫn thân bệnh. Nhưng trong thời kỳ mà thế giới - nhất là các y bác sĩ, các nhà lãnh đạo… - kêu gọi mọi người hãy ở yên tại nhà, chỉ việc ở yên thôi cũng đã là cách tốt nhất để ngăn ngừa dịch bệnh, thì việc lựa chọn ngồi thiền là một lựa chọn ở yên tuyệt vời.
Hiện nay, tùy theo tình hình của từng quốc gia, khu vực, từng đối tượng mà lệnh “giãn cách xã hội” (social distancing), cách ly (quarantine), phong tỏa (isolation), khóa chặt (lockdown) được ban hành. Theo đó, có thể thấy thiền giả là những người bằng chánh niệm, kiểm soát sáu căn, giãn cách, cách ly với những thứ không mang lại lợi ích, an lạc cho bản thân và xã hội. Họ cũng đang tích cực chống dịch.
Con người, được cho là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, nên sự tương quan “duyên khởi” là hết sức chặt chẽ. Việc làm của người này không chỉ tác động lên họ mà còn tác động lên nhiều người khác. Trong mối quan hệ xã hội đó, mỗi người đều giữ một vị trí riêng trong cái chung. Những con người tiên phong ở vị trí đầu chống dịch dĩ nhiên là hết sức quan trọng; nhưng những người ở yên trong nhà cũng góp phần quan trọng không kém trong cuộc chiến đấu đầy gian nguy này. Do đó, mỗi người hãy làm tốt nhất công việc của mình vì một xã hội tốt đẹp.
Việc giãn cách, cách ly, phong tỏa, khóa chặt xã hội hay một phần xã hội, buộc nhiều người phải ở nhà là việc chẳng đặng đừng - một quyết định hết sức khó khăn của những nhà lãnh đạo. Quyết định của họ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, cụ thể nhất là sinh kế và sinh mạng của mỗi người dân.
Tôi chợt nhớ đến một ẩn dụ hết sức đặc biệt trong kinh Phật: móc họng trẻ con. Chuyện kể rằng, một người vú chăm sóc một đứa trẻ. Đứa trẻ ngây thơ đang còn nằm ngửa. Bé quờ tay bắt phải một vật cứng rồi cho vào miệng. Người vú kịp thời phát hiện, vội nghĩ: ta phải tìm cách để lấy vật cứng ra. Nhưng vật cứng nằm sâu trong họng đứa bé. Người vú bèn tay trái nắm đầu đứa bé, tay phải gập cong ngón trỏ lại như một cái móc, móc vào họng nó. Người vú cố móc cho ra, đến nỗi họng đứa bé chảy máu. Có người bảo vú làm hại đứa bé. Vú trả lời: Tôi làm vậy không phải không có hại. Nhưng vì sao? Vì tôi thương đứa bé, tôi không muốn đứa bé bị nạn, tôi vì lợi ích, vì hạnh phúc của nó. Sau này, khi đứa bé lớn lên, có đủ trí khôn, biết tự bảo vệ mình rồi thì tôi sẽ không phải săn sóc nó nữa (Kể lại theo kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Sức mạnh hữu học, phần 7 - Dục vọng).
Nói không quá, việc cách ly hay giãn cách xã hội (giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội) cũng giống như việc móc họng con trẻ. Xót lắm, nhưng đó là cách tốt nhất trong thời điểm hiện tại.
Rất may là người Việt, với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hoặc “lá rách đùm lá rách hơn”, trong hoạn nạn tình người đầy thêm, nên đã có không ít cá nhân đóng góp những phần vật chất từ vài ngàn hay vài chục ngàn đồng đến vài chục, hay cả trăm tỷ đồng để cùng Chính phủ chung tay chống dịch. Những phần ăn hay lương thực từ thiện của các chùa, các quán cơm, của các cá nhân - những tấm lòng nhân ái, đã đến tay những “người yếu thế”, giúp họ trước mắt thoát được nạn đói. Cùng với việc tuân thủ những biện pháp chống dịch do Chính phủ đề ra, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia phòng chống dịch bệnh tốt nhất, cho dù tiềm lực kinh tế, trang thiết bị y tế còn khá khiêm tốn, nhất là Việt Nam còn nằm ngay cạnh Trung Quốc, mật độ dân số lại rất cao.
Với khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước”, rõ ràng trong cơn đại dịch này, thiền không đơn thuần chỉ là pháp tu cho mỗi cá nhân, mà đó còn là cách để các thiền giả chung tay chống dịch, thể hiện lòng “yêu nước, thương dân”.
Việc giãn cách xã hội để phòng dịch buộc con người phải cách xa nhau về mặt vật lý; trong khi đó, việc thiền chung - tuy ai vẫn ở nhà nấy, lại là cách giúp con người xích lại gần nhau về mặt tinh thần, kết nối và tạo nên một năng lượng thiện lành, một bầu khí quyển tích cực. Do đó, chúng ta không còn đơn độc trong việc thiết lập đời sống an lạc và trong công cuộc chống dịch nữa.
Quảng Kiến
Nguồn: https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2020/04/14/3E44D0/