Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (ngoài cùng, bên phải) đã trao quyết định công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà là Bảo vật quốc gia.
Kho mộc bản Kinh Phật chùa Bổ Đà được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng. Trải qua gần ba thế kỷ, kho mộc bản Kinh Phật này vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng và hình hài.
Hơn 2000 ván kinh ở chùa Bổ Đà đều được khắc, chạm trên chất liệu gỗ thị. Các ván kinh hiện nay được xếp trên 10 giá gỗ (mỗi giá xếp gần 200 ván kinh, chia làm ba hàng), một số ván kinh lớn được xếp bên ngoài để khách tham quan dễ xem.
Hầu hết ván kinh trong kho mộc bản chùa Bổ Đà có kích thước 45 x 22 x 2,5cm (dài, rộng, dày) hoặc 60 x 25 x 2,5cm. Nhưng cũng có cả những ván kinh khổ rất lớn 150 x 30 x 2,5cm hoặc 110 x 40 x 2,5cm. Các ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn với nhiều loại văn bản như: kinh, sớ, điệp, ván lục thù, bùa chú…
Tiêu biểu có các bộ kinh Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… Những ván kinh khổ lớn ở đây còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư.
Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật trong số đó là hình khắc Đức Phật Tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…
Các họa tiết này mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nét đẹp hài hòa giữa chữ và tranh, nó góp phần làm tăng thêm ý nghĩa Phật giáo và có tác động trực diện đến việc truyền thụ và tiếp nhận Phật giáo.
Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Vì thế, mỗi mộc bản còn được coi như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ hoàn chỉnh. Mỗi bản in trong kho mộc bản còn xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ đẹp.
Với những giá trị đó, ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2089/QĐ-TTg, công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà là Bảo vật quốc gia.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao quyết định công nhận Mộc bản chùa Bổ Đà là Bảo vật quốc gia cho lãnh đạo huyện Việt Yên, xã Tiên Sơn và trụ trì chùa Bổ Đà.
Chùa Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự (補陀山觀音寺), gọi tắt là chùa Bổ, còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự (四恩寺). Chùa Bổ Đà (cùng 12 di tích khác) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 7) theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 22 tháng 12 năm 2016 (Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký thay). Ngày 12 tháng 3 năm 2017 (tức ngày 15 tháng 2 năm Đinh Dậu), Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt này.
Chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất miền đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xã Tiên Lát, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, tỉnh Bắc Ninh xưa).
Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán - Nôm phong phú. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), Khổng Tử...Các cuốn sách bằng tre, đá để lại vẫn lưu truyền đào tạo những người gia nhập phái Lâm Tế (Sơn Môn Bồ Đà) theo phong tục cũ. Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương - có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm).
Lễ hội
Hội chùa Bổ Đà hàng năm tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch rất long trọng và đông vui (phần lễ kéo dài từ Tết Nguyên Đán). Đó là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Thanh niên nam nữ khách thập phương kéo về dự hội rất đông. Đến hẹn lại lên, vào dịp lễ hội ngoài việc đến lễ Phật cầu mong an lạc, còn là dịp để những liền anh, liền chị của các làng quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên trong những bộ trang phục truyền thống với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, thấm đượm hồn quê. Ngoài ra, ngày 8 tháng 4 Phật đản làm lễ dâng hương ở chùa, ngày 15 tháng 7 lễ tán hạ.
Chỉ dẫn du lịch
Những năm gần đây khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh khá quan tâm tới Chùa Bổ. Để đi tới Chùa Bổ, từ Hà Nội đi tới thành phố Bắc Ninh, qua cầu Thị Cầu rẽ trái men đê sông Cầu và sườn núi 3 km là tới. Hoặc tới Thổ Hà đi tiếp theo hướng Bắc tới làng Lát rẽ phải, từ Thổ Hà tới Chùa Bổ là 3 km.
Khi du khách đến thăm Chùa Bổ có thể đồng thời đến thăm hai địa điểm du lịch nổi tiếng nữa của đất Kinh Bắc, đó là Thổ Hà và Đền Bà Chúa Kho. Các địa điểm này chỉ cách nhau từ 3 đến 5 km.