Trung Quốc đã sử dụng mã QR từ nhiều năm trước. Nay, phần còn lại của thế giới mới nhận ra tiềm năng của loại công nghệ này.
Sau một thập kỷ bị chế nhạo và xua đuổi, mã QR – những hoạ tiết ô vuông nhỏ màu trắng đen mà bạn có thể quét bằng điện thoại để mở ra một website cụ thể - cuối cùng cũng đến lúc toả sáng.
Trong suốt đại dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn ra trên toàn cầu, khi mà chẳng ai muốn đụng vào bất kỳ thứ gì, các nhà hàng vừa tái mở cửa đã chọn giải pháp thay thế thực đơn in giấy bằng các mã QR. PayPal và Venmo thì tung ra một tuỳ chọn thanh toán không chạm thông qua mã QR dành cho các doanh nghiệp, còn CVS cũng nhanh chóng công bố kế hoạch triển khai mã QR tại 8.200 cửa hàng của hãng từ nay cho đến hết năm.
Bạn cũng có thể tự tạo mã cho mình hoàn toàn miễn phí tại vietcode.net
Mã qrcode thông tin tạo miễn phí tại Vietcode.net
Các công ty dược phẩm thậm chí còn đang phát triển các ứng dụng thử COVID-19 với tính năng hiển thị trạng thái sức khoẻ người dùng qua mã QR, từ đó quyết định liệu họ có thể quay lại làm việc, đi vào một toà nhà, hay lên máy bay hay không.
Tất nhiên, những bước tiến đó không phải là chuyện lạ ở Trung Quốc, nơi mà mã QR đã quá phổ biến và là một công cụ không thể thiếu cho thanh toán số. Hai phần ba dân số Trung Quốc đã sử dụng mã QR từ năm 2017. Nhưng đối với phần còn lại của thế giới, sự trỗi dậy bất ngờ của những ô vuông đen trắng nhỏ xíu kia có thể được xem như một sự "xá tội" chẳng ai nghĩ đến dành cho loại công nghệ vẫn bị đánh giá là mập mờ kia.
Mã QR (viết tắt của "Quick Response", tức "Phản hồi nhanh") xuất hiện từ năm 1994 trong phòng thí nghiệm của công ty con thuộc Toyota tên Denso Wave. Nhà sản xuất xe hơi này cần một phương thức dễ dàng hơn để theo dõi các linh kiện xe hơi trên dây chuyền lắp ráp, và mã QR đã mang lại một cải tiến rõ rệt so với mã vạch (barcode) vốn được phát minh từ 42 năm trước. Mã vạch lưu trữ thông tin bên trong một dãy các đường kẻ một chiều, với lượng dữ liệu tối đa 80 ký tự. Nhưng mã QR chuẩn, vốn lưu trữ thông tin trong một hình hai chiều chứa nhiều ô vuông nhỏ, có thể nắm giữ lượng dữ liệu gấp 100 lần mã vạch (vừa đủ không gian lưu trữ cho một phiên bản đơn giản của trò rắn săn mồi!)
Mã QR được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp cho đến năm 2010, khi smartphone bắt đầu được trang bị khả năng đọc chúng và phiên dịch chúng thành các đường link web. Một làn sóng phấn khích nổ ra, không ít người dự đoán mà QR sẽ mở ra một cánh cổng giữa thế giới thực và thế giới số - hay theo cách gọi ngày nay là "thực tại tăng cường". Nhanh chóng tự nhận bản thân là những người sành sỏi về công nghệ, các công ty bắt đầu cho dán những ô vuông kia lên các bảng quảng cáo, các toà nhà, và cả đồng phục nhân viên nữa – tất cả đều nhằm thúc giục người tiêu dùng quét mã QR.
Vấn đề duy nhất ở đây là: quá nhiều thứ ngớ ngẩn liên quan đến mã QR.
Trong những tháng ngày còn mới cứng đó, người dùng smartphone phải tải về một ứng dụng bên thứ ba để quét mã QR – quả là một đòi hỏi hơi thái quá và có phần khó hiểu chỉ để buộc người dùng phải xem các quảng cáo trong ứng dụng. Kết nỗi dữ liệu thời đó cũng không phổ biến hay đáng tin cậy như ngày nay, khiến rất khó để theo dấu các đường link kia mỗi khi bạn quét được chúng. Và khi website đã nạp xong, thì bạn hẳn sẽ đứng hình vài giây khi thứ hiện ra trên màn hình thường là phiên bản desktop của một website, vốn trông cực kỳ kinh khủng khi hiển thị trên điện thoại.
Đến tháng 12/2011, comScore đưa tin rằng chỉ 20% người dùng smartphone Mỹ, 16% người Canada, và 12% người Tây Ban Nha và Anh từng sử dụng mã QR – và con số này chắc chắn sẽ giảm nữa. Công nghệ QR ở ngoài Trung Quốc đã trở thành một trò hề mà khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến những chiêu trò marketing ngớ ngẩn.
Một tài khoản Tumblr từng đăng tải bài viết nói về những ứng dụng vô bổ nhất liên quan đến mã QR (ví dụ, in mã QR lên giày sneaker, dùng mã QR để cho bạn biết khi nào dưa hấu chín, những mã QR mà bạn chỉ có thể quét được nếu đứng trực tiếp trên đường ray tàu điện ngầm…). Blog này sau đó được bầu chọn là "bộ sưu tập của một công nghệ buồn và kinh khủng" bởi các phóng viên công nghệ.
Dù công nghệ QR từng có thời bị lãng quên tại Mỹ, nó đã nhanh chóng được chào đón tại Trung Quốc, nơi WeChat và AliPay dùng mã QR để hỗ trợ cho quá trình mở rộng thần tốc các dịch vụ thanh toán di động của họ. Trong một lần đến Trung Quốc vào năm 2014, CEO Snapchat Evan Spiegel đã bị ấn tượng mạnh bởi công nghệ này, đến mức anh ngay lập tức thành lập một đội để tạo ra phiên bản mã QR mới cho ứng dụng của mình, gọi là Snapcode với chức năng cho phép người dùng dễ dàng thêm bạn mới. Mã QR lúc này mới bắt đầu được chào đón, hiện diện khắp nơi từ danh thiếp cho đến website chính thức của Nhà Trắng, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt những bản sao đến từ Facebook, Twitter, Spotify, và Amazon.
Đột phá thực sự diễn ra vào năm 2017, khi các bản cập nhật dành cho hệ điều hành Android và iOS mang lại cho mọi mẫu smartphone mới khả năng quét mã QR từ các ứng dụng máy ảnh mặc định - người dùng không phải tải thêm thứ gì nữa. Trang Wired từng dự đoán mã QR sẽ sớm thành công, rằng "mã QR không phải là một thất bại từ quá khứ. Chúng là tương lai. Lần này là thật".
Dẫu vậy, dữ liệu từ nhà quản lý QR Scanova cho thấy số lượng hộ gia đình Mỹ từng sử dụng mã QR trong một năm trước đó chỉ tăng nhẹ 7% từ 2018 sang 2019.
Và trong lần trỗi dậy nhờ COVID này, các "nhà tiên tri" lại một lần nữa dự đoán mã QR cuối cùng đã đến lúc toả sáng. Dù chúng ta chưa rõ liệu các công ty có tìm ra những phương thức thú vị nào khác để sử dụng mã QR, hay liệu người tiêu dùng có còn hứng thú với nó sau khi đại dịch đã qua hay không, thì những lĩnh vực như smartphone, thiết kế web, và dữ liệu di động chắc chắn đã tiến rất xa từ vị trí ban đầu của chúng khi mã QR có màn ra mắt thảm hoạ vào năm 2010. Có lẽ lần này đã thực sự đến lượt mã QR lên tiếng rồi!
Theo Vnreview