Nhóm nghiên cứu của Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đăng Xuân tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, mới đây đã công bố công trình nghiên cứu cho thấy tiềm năng ứng dụng của loài cỏ lau xâm lấn trong lĩnh vực làm đẹp, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, công trình nghiên cứu của Phó giáo sư Trần Đăng Xuân và cộng sự đã được đăng ngày 31/12/2020 trên tạp chí Plants thuộc Nhà xuất bản MDPI.
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên tìm thấy tiềm năng mới trong cây cỏ lau xâm lấn (tên khoa học Andropongon virginicus), bao gồm chống oxy hóa, ức chế enzyme tyrosinase và tế bào ung thư.
Để tìm ra các đặc điểm sinh học của loài cây này, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng nhiều phương pháp tách chiết công nghệ cao và phát hiện nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe.
Chất phenolic có chức năng chống oxy hóa, chất rutin giúp tăng cường sức bền, axit palmitic có tác dụng tạo lớp màng bảo vệ da, phytol là tiền chất sản xuất vitamin E và K1. Đặc biệt, hợp chất etyl axetat giúp ức chế tế bào ung thư K562 có nguồn gốc từ bệnh bạch cầu tủy mãn tính.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Phó giáo sư Trần Đăng Xuân cho biết cỏ lau được xếp vào loài cây cỏ dại xâm lấn đất nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu lần này cho thấy đây là thực vật tự nhiên có tiềm năng trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, công trình nghiên cứu này cũng có ý nghĩa trong việc khai thác tiềm năng từ các hợp chất quý trong các cây xâm lấn tại Việt Nam, đặc biệt các hợp chất có khả năng ức chế tế bào ung thư.
Các hợp chất được phát hiện trong cỏ lau xấm lấn sẽ mở đường cho việc phát triển các thuốc chữa trị ung thư có tiềm năng từ hợp chất thiên nhiên.
Phó giáo sư Trần Đăng Xuân cho biết nhóm nghiên cứu của ông cũng đang kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam, như Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế, để khai thác tiềm năng các cây dược liệu quý của Việt Nam trong chữa trị bệnh cho người Việt Nam.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đăng Xuân là nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Hiện ông hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu về nhân giống cây trồng, bộ gene, khoa học cỏ dại, sản xuất nông nghiệp bền vững, hóa học hữu cơ, hóa học phân tích, năng lượng sinh khối./.
Đức Thịnh (TTXVN/Vietnam+)