Dược liệu quý giá trong quả nhàu mọc hoang
Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà của chị Bùi Thị Tuyết Nhung ở phường An Phú, TP Tam Kỳ. Chị được biết đến là người đã đánh thức giá trị của quả nhàu Quảng Nam.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn trồng nhàu, chị Nhung chia sẻ, ngày xưa quê chị nằm sát con sông Vu Gia (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nên có rất nhiều cây nhàu mọc hoang, ba mẹ chị thường hái quả về phơi khô rồi nấu nước uống chữa bệnh nhức mỏi.
Dù biết quả nhàu có nhiều dược tính rất tốt nhưng do mùi nồng cay đặc trưng rất khó chịu nên nhiều người không thích. Một số nơi, cây nhàu được xem là không có ích bị chặt bỏ.
"Lúc còn nhỏ tôi thấy trái nhàu hôi lắm. Mỗi lần ba tôi ăn là mấy đứa em bỏ chạy hết. Khi lớn lên thì tôi bắt đầu quen", chị Nhung nhớ lại.
Đến khi lớn lên, trong một lần tình cờ nhìn thấy lại những cây nhàu mọc hoang sau vườn nhà rất sai quả nhưng không một ai để mắt đến. Lúc này, chị thấy tiếc và muốn nghĩ ra một cách nào đó để giúp bà con nông dân tiêu thụ được loại quả này.
"Cây nhàu có ở nhiều nơi trong các hộ gia đình và là một loại "thần dược" chữa bệnh dân gian như đau nhức xương khớp, cao huyết áp... Nhưng người nông dân lại không mặn mà với nó nên tôi đã quyết định tìm hiểu nhiều về giá trị của loại quả này", chị Nhung chia sẻ.
Chị bắt đầu lên mạng tìm hiểu giá trị của cây nhàu thì được biết các bộ phận của cây đều có công dụng. Hơn nữa, ở các nước khác, quả nhàu được dùng rất nhiều, trong khi đó ở Việt Nam lại bỏ quên.
Để thực hiện ý tưởng của mình, chị Nhung đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu tìm hiểu về công dụng và những sản phẩm có thể tạo ra từ quả nhàu.
Đến cuối năm 2019, sau hàng trăm lần bỏ đi làm lại, sản phẩm đầu tiên là nhàu lát khô làm trà đã được ra đời và những đơn hàng đầu tiên đã được xuất bán. Không dừng lại ở đó, khi nhận thấy người dùng cần nhiều dạng sản phẩm khác từ quả nhàu chị đã nghiên cứu và cho ra đời bột nhàu (đạt OCOP 4 sao), viên nhàu, trà nhàu, nước cốt nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong…
"Đến nay, tôi đã có 8 loại sản phẩm khác nhau, tất cả đã được kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trung bình cơ sở tôi đạt sản lượng 500kg nhàu lát khô mỗi tháng, bán được hết sản phẩm thì doanh thu trên 100 triệu đồng. Hiện cơ sở của tôi đã tạo việc làm cho khoảng 10 lao động tại địa phương", chị Nhung chia sẻ.
Đồng hành cùng nông dân
Trong thời gian phát triển sản phẩm, chị Nhung vẫn không quên mục đích ban đầu của mình là giúp đỡ bà con nông dân. Chị đã đầu tư mua cây giống, phân bón và ký hợp đồng bao tiêu với nhiều nông dân có đất bỏ trống để phát triển cây nhàu.
"Hiện nay đã có hàng chục hộ liên kết trồng nhàu với tôi. Dự kiến trong hơn một năm tới, tôi sẽ có nguồn nguyên liệu dồi dào và ý nghĩa hơn, từ đó bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định từ loài cây hoang này", chị Nhung chia sẻ.
Theo chị Nhung, cây nhàu rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không bị sâu bệnh hại. Với sức sống mãnh liệt, nó có thể sinh trưởng tốt cả ở những vùng đất khó canh tác hay đang bị bỏ hoang.
Cây nhàu trồng khoảng một năm thì ra quả, được người dân thu hái nhiều đợt trong năm. Khi còn non, trái nhàu có màu xanh nhạt, lúc chín sẽ chuyển sang màu trắng hoặc vàng nhạt và có mùi hăng, hơi khai.
Điều này khiến sản phẩm chế biến từ trái nhàu hơi khó dùng với những ai lần đầu tiên sử dụng. Sau khi quen với mùi vị hăng nồng, chua nhẹ của sản phẩm thì mọi người sẽ yêu thích nhàu hơn vì tốt cho sức khỏe.
"Mỗi tháng cơ sở của tôi có thể thu mua 5-6 tấn nhàu tươi của bà con nông dân trong vùng, với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. Số nhàu này sẽ được sơ chế sạch sẽ, ngâm muối và cắt lát để sấy khô trong lò sấy kín theo tiêu chuẩn", chị Nhung chia sẻ.
Nhàu sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế sạch sẽ và cắt lát để sấy khô trong lò sấy kín. Chị Nhung đang huy động thêm hộ trồng nhàu nhằm tăng nguồn nguyên liệu và thêm thu nhập cho người nông dân.
Theo dantri