Trả lời của Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp
Thực ra lễ bán khoán thường ở Miền Trung và Miền Bắc, trong Nam cũng có nhưng ít. Ở ngoài Bắc với ngoài Trung, đây là một tục lệ rất hay. Thật ra đây là một cách cho mấy bé quy y gieo duyên từ nhỏ.
Vào thời Phật, có những gia chủ đã thỉnh Đức Phật chứng minh và chúc phúc cho các em bé ngay khi còn nhỏ. Thầy khuyến khích quý Phật tử, thay vì mình làm lễ bán khoán, thì Phật tử nào cũng nên cho con cháu của mình vừa sinh ra đến chùa để vị Thầy Trụ trì chúc phúc, chú nguyện cho cháu. Giống như là nhờ ân đức của Tam Bảo, nhờ đức của vị trụ trì đỡ đầu cho đứa bé. Nhiều trường hợp có nhiều đứa bé lạ lắm, ở nhà thì bệnh, ăn uống đầy đủ vẫn bệnh miết, vậy mà vào chùa bữa cháo, bữa rau, nước tương, đậu hủ mà khỏe ào ào vậy đó, cứ cho về là bệnh. Quý Phật tử có thấy những trường hợp đó không?
Ở chùa nhờ đức của Tam Bảo, đức của chú viết kinh kệ rồi đức của Thầy trụ trì cho nên cháu nó vượt qua được những cái nạn tai trong khoảng thời gian tuổi nhỏ đó.
Vậy nên, Thầy khuyến khích quý Phật tử, con cháu của mình từ nhỏ sinh ra, cho cháu vào chùa Quy y gieo duyên. Vì thực ra, lễ bán khoán giống như hình thức quy y gieo duyên mà thôi. Bây giờ mình cho cháu vào chùa, cháu lễ Phật, lễ Tam bảo, cho cháu quy y Tam bảo mà Thầy xin nhắc lại là “Quy y gieo duyên”.
Quy y gieo duyên là như thế nào?
Ngày mà ta quỳ trước Phật, quy y Tam bảo, ta chưa ý thức được Tam bảo là gì? Chưa ý thức được năm giới là gì mà ta xin thọ giới, cũng chưa biết Phật, Pháp, Tăng là gì? Hoặc là có người nhà như bà mình đi chùa, sáng nay nghe chùa có quy y, mình đang ngủ khò khò, bị lôi dậy, vô quy y, Thầy đọc sao thì đọc vậy. Giờ hỏi Phật, Pháp, Tăng là gì thì trả lời:
“Dạ con cũng không biết nữa.”
Nhiều khi không biết Phật Pháp Tăng là gì luôn rồi trả lời “Quy là con rùa, y là tấm y, Phật là Đức Phật, Pháp là nước Pháp, Tăng là xe tăng…Quy y Phật Pháp Tăng là con rùa mang tấm y theo Đức Phật qua nước Pháp bằng xe tăng”. Cái này là không có đúng nha!
Trường hợp này là mình không hiểu, mình mới có gieo duyên thôi. Và thường các em nhỏ chưa ý thức được thì người ta mới cho cháu quy y gieo duyên trước, nhờ ân đức lành của Tam bảo gia trì cho cháu. Đến khi lớn lên 10 tuổi, hoặc mười mấy tuổi, ý thức được Tam bảo rồi, năm giới rồi, thì Thầy khuyến khích quý Phật tử nên về chùa tham dự thêm một lễ Quy y, lần này không phải gọi là Quy y lại mà là Quy y chính thức. Lúc này quý vị hiểu Phật là gì, Pháp là gì, Tăng là gì rồi.
Con xin quy y Phật, Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời,Con xin quy y Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết,Con xin quy y Tăng, đoàn thể của những người sống theo nếp sống tỉnh thức.
Lúc này ta biết Phật, Pháp, Tăng là gì ta tham dự lễ Quy y. Trong giờ phút trịnh trọng, trang nghiêm, thanh tịnh đó, quý vị phát tâm quy y Tam Bảo, thì Phật, Pháp, Tăng có trong lòng quý vị ngay lúc đó.
Có trường hợp thế này: “Con quy y rồi” - “Con Pháp danh là gì?” – “Con pháp danh là Diệu “lỳ”, con quy y ngày đó đó…” - “ngày đó con có dự không?” – “Dạ không?” - “Không dự sao con có cái giấy quy y” – “Dạ bà con ghi cái tên của con xong ngày đó con có cái giấy quy y”…
Đây là trường hợp quy y giấy chứ chưa có giới và chưa có Tam Bảo trong lòng. Quan trọng là lúc Quy y, quý Phật tử phải có mặt, phát lên lời nguyện Quy y. Còn cái giấy chứng điệp quy y đó, giống như là công nhận quý vị có quy y thôi… 10 năm, 20 năm, 30 năm, chuột nó cắn, lửa nó cháy, nước nó trôi mất tờ giấy đó không quan trọng. Tại vì lúc này, giờ phút chính thức mình quy y Tam bảo Phật Pháp Tăng đã có trong lòng mình rồi! Cho nên xét lại xem, ở đây có ai quy y giấy không?
Đã quy y rồi mà lúc quy y chưa hiểu Phật Pháp Tăng thì cũng chỉ mới có quy y gieo duyên thôi.Cho nên ở vấn đề bán khoán lúc còn nhỏ, mấy cháu gửi vô chùa cũng là một hình thức quy y gieo duyên. Vậy bây giờ có nên chuộc về không?
Câu trả lời là khỏi chuộc, quy y gieo duyên thì chuộc làm gì. Vì thế, nếu có duyên thì gia đình cứ cho cháu quy y, được nữa thì dẫn cháu vô quy y chính thức, còn gia đình muốn an tâm, muốn chuộc thì chuộc, nhưng mà thật ra cháu quy y gieo duyên là tốt cho cháu, cháu được nhờ ân đức lành của Tam bảo che chở.
Bán khoán con cho chùa có phải là Qui y không? | TT. Thích Nhật Từ