1. Diệp hạ châu hỗ trợ giải độc gan
Diệp hạ châu còn có tên chó đẻ răng cưa, chó đẻ, cam kiềm.
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây khô của cây chó đẻ răng cưa (Phyllanthus urinaria L.), họ thầu dầu (Euphorbiaceae).
Theo Đông y, diệp hạ châu vị ngọt đắng, tính bình; vào kinh can và phế; có tác dụng tiêu độc, thông huyết, thanh can, lợi mật, lợi tiểu.
Tác dụng: Chữa viêm gan hoàng đản, viêm họng, mụn nhọt, viêm da thần kinh, viêm thận, phù thũng, sốt rét, viêm ruột, tiêu chảy. Ngày dùng 8 - 12g.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Phụ trách Khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh một số bài thuốc có diệp hạ châu dưới đây có tác dụng tốt cho gan:
Tiêu độc, tiêu viêm: Diệp hạ châu 1 nắm, rau diếp cá 1 nhúm giã nát bã đắp vào chỗ đau; chữa nhọt độc sưng đau (nhọt chưa vỡ mủ).
Diệp hạ châu cho tác dụng giải độc gan.
Thanh can, lợi mật:
Bài 1: Diệp hạ châu 24g, nhân trần 12g, chi tử 6g, sài hồ 12g, hạ khô thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm; uống liên tục 3 tháng. Hỗ trợ điều trị viêm gan virus B.
Bài 2: Diệp hạ châu 30g, mã đề thảo 20g, râu ngô 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm; chữa viêm gan, vàng da, viêm ruột, tiêu chảy.
Bài 3: Diệp hạ châu 16g, bồ bồ 12g, vỏ bưởi khô 5g, hậu phác 8g; thổ phục linh, cam thảo, chi tử, rễ đinh lăng mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm; hỗ trợ điều trị viêm gan virus.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng.
Cây diệp hạ châu
2. Mã đề
Xa tiền tử là hạt chín già phơi khô của cây mã đề. Theo Đông y, xa tiền tử vị ngọt, tính hàn; vào can, thận và bàng quang có tác dụng lợi niệu thẩm thấp; mát gan, sáng mắt. Dùng cho các trường hợp vàng da, phù nề, sỏi đường tiết niệu (đái máu, đái đục, đái dắt buốt), tiêu chảy, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), ho do viêm họng, viêm khí phế quản. Hằng ngày dùng 10 - 20g bằng cách sắc trong túi vải.
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương cho biết, một số bài thuốc từ xa tiền tử trị chứng thấp nhiệt ở can, thận, bàng quang, trị chứng viêm gan, viêm sinh dục tiết niệu và phù thũng:
Bài 1- Thuốc bột bát chính tán: Xa tiền tử 12g, cù mạch 12g, biển súc 12g, hoạt thạch 20g, chi tử 12g, mộc thông 12g, đại hoàng 8g, cam thảo 4g, đăng tâm thảo 4g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm.
Trị thấp nhiệt, lợi mật, thoái hoàng, thông tiểu tiện, trị chứng tiểu nhỏ giọt và đục, tiểu dắt, tiểu ra máu, trong niệu đạo đau buốt và kết sỏi.
Mã đề có tính mát gan, hỗ trợ giải độc gan.
Bài 2: Xa tiền tử 20g, thạch vĩ 20g, kim tiền thảo 20g, khương hoàng 20g, hải kim sa 20g, ngưu tất 12g, hậu phác 12g, chỉ xác 12g, vương bất lưu hành 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Trị sỏi đường tiết niệu, sỏi bùn túi mật, lợi mật, tiêu viêm.
Bài 3: Xa tiền tử 20g, phục linh bì 12g, trạch tả 12g, bạch truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần, uống khi thuốc còn ấm. Trị phù thũng, tiểu tiện không lợi.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, di tinh hoạt tinh hoặc người tỳ hư hạ hãm.
Chi tiết cây mã đề Cây dược liệu cây Mã đề - Plantago major L
Cây mã đề
3. Nhân trần
Nhân trần là vị thuốc của gan mật, có tác dụng tiêu viêm, lợi niệu, lợi mật, thanh nhiệt, trừ thấp ở gan mật, đặc trị cho bệnh nhân viêm tắc mật, viêm gan, có tác dụng giải độc gan, thận.
Nhân trần thanh nhiệt, giải độc gan.
Bài thuốc có nhân trần:
Bài 1: Nhân trần 40g, cam thảo 20g cho vào nồi đổ 2 lít nước đun sôi 10 phút; dùng làm nước uống trong ngày; có tác dụng thanh nhiệt độc từ can thận, giải độc gan, lợi niệu, thông mật, trừ tích nhiệt của gan mật.
Bài 2: Nhân trần 20g, râu ngô 20g, diệp hạ châu 20g, chi tử sống 6g, cúc hoa 12g, kỷ tử 10g đun uống hằng ngày; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, điều trị viêm gan siêu virus, mát gan thận, trừ tích nhiệt ở gan thận, chữa dị ứng, mẩn ngứa, điều trị chứng đau đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp có bốc hỏa.
Không nên lạm dụng, dùng nhiều, trong thời gian dài sẽ không những không có tác dụng giải độc gan mà ngược lại có thể gây ngộ độc gan. Vì vậy cần có sự chỉ định của bác sĩ, tránh lợi dụng, lạm dụng thuốc.
Adenosma cordifolium là một loài thực vật có hoa trong họ Mã đề. Loài này được Bonati mô tả khoa học đầu tiên năm 1911