Đây là lần đầu tiên, địa phương tổ chức ngày hội cam, quýt nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm này.
Bắc Kạn là một trong số các tỉnh miền núi phía bắc có diện tích cam, quýt lớn, trong đó, quýt Bắc Kạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý.
Tại Bắc Kạn, huyện Bạch Thông là vùng chuyên canh cam sành, quýt bản địa tập trung ở các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong. Đây là những cây trồng chủ lực của Bạch Thông nói riêng và Bắc Kạn nói chung với diện tích trên 1.600ha, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 16 nghìn tấn.
Cây cam, quýt đã tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và đưa vùng trồng tại Bạch Thông trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển cây cam, quýt gắn với du lịch cộng đồng, Bắc Kạn đã đầu tư nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học giúp người dân mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng.
Năm 2022, tỉnh đầu tư 60 tỷ đồng để xây dựng 15 tuyến đường phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn.
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thôn Phiêng An; trải nghiệm vườn cam, quýt tại thôn Nà Vài, xã Quang Thuận; trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực địa phương của các xã, thị trấn; giải bóng chuyền hơi và chương trình biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn...
Ngày hội cam, quýt lần đầu tiên này được kỳ vọng sẽ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực của huyện Bạch Thông, đặc biệt là sản phẩm cam, quýt; khuyến khích, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện chương trình OCOP, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa và trải nghiệm các điểm du lịch cộng đồng ở địa phương.
Theo nhandan
Du khách trải nghiệm không gian thưởng trà tại làng văn hóa dân tộc Dao Phiêng An.