Thuốc từ hạt cần tây tăng khả năng hồi phục sau đột quỵ.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại Việt Nam và đứng hàng đầu về tỷ lệ di chứng sau điều trị. Hầu hết các cơn đột quỵ đều xảy ra đột ngột, cần có sự chẩn đoán và can thiệp y tế kịp thời.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã nghiên cứu xem liệu điều trị bằng butylphthalide, một thuốc mới chiết xuất tử hạt cần tây, có thể cải thiện khả năng hồi phục sau đột quỵ ở những bệnh nhân được điều trị cục máu đông tiêu chuẩn hay không.
Nghiên cứu đã thử nghiệm ở 1.216 bệnh nhân đột quỵ tại 59 trung tâm y tế của Trung Quốc, trong đó, 607 người dùng butylphthalide và 609 người dùng giả dược. Độ tuổi trung bình là 66 và 68% là nam giới. Cùng với phương pháp điều trị cục máu đông ban đầu, bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên để nhận butylphthalide hoặc giả dược hàng ngày. Bệnh nhân được tiêm thuốc trong 14 ngày đầu và sau đó là thuốc uống trong 76 ngày.
Kết quả cho thấy, những người trong nhóm sử dụng butylphthalide đã cải thiện các chức năng trong 90 ngày, cao hơn 70% so với nhóm dùng giả dược.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc dùng chiết xuất butylphthalide khác với việc dùng trực tiếp hạt cần tây; đồng thời nhấn mạnh, những bệnh nhân sau đột quỵ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có phương thức điều trị hiệu quả nhất.
Ở Trung Quốc, các nghiên cứu trước đây trên động vật đã phát hiện ra rằng, butylphthalide có khả năng bảo vệ não khỏi tổn thương liên quan đến đột quỵ do cục máu đông trong não gây ra. Hiện tại, butylphthalide đã được phê duyệt và sẵn sàng sử dụng ở Trung Quốc.
Đây là thử nghiệm đầu tiên cho thấy lợi ích của việc sử dụng thuốc bảo vệ não khỏi tổn thương do thiếu oxy đến mô não. TS. Baixue Jia, Bệnh viện Tiantan Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết, loại thuốc này được dùng cho những bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính và được dùng để điều trị để phục hồi lưu lượng máu lên não cho các bệnh thần kinh.
Kết quả nghiên cứu này có thể dẫn đến nhiều lựa chọn hơn để điều trị đột quỵ do cục máu đông gây ra. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu rõ ràng cách thức hoạt động của butylphthalide trong cơ thể.
Theo webmd