Thay đổi từ Quyết định 2166
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên và hệ động thực vật vô cùng đa dạng. Từ năm 1954, y dược cổ truyền Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên nhận thấy sự phát triển này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển vốn có, đồng thời mong tạo ra cú hích mạnh mẽ cho ngành y tế, ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định 2166 QĐ-TTG với mục tiêu hiện đại hóa và phát triển mạnh y dược cổ truyền trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết Quyết định 2166 khi ra đời là bước ngoặt đánh dấu sự quan tâm của Đảng, chính phủ về phát triển y dược cổ truyền. Từ khi có Quyết định này, nền y dược cổ truyền được phát triển trong tình hình mới. Ngày 31/8/2012, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 63/NĐCP đồng ý chuyển đổi mô hình tổ chức của Vụ Y dược Cổ truyền thành Cục Quản lý Y dược cổ truyền, tinh gọn lại tổ chức bộ máy và tiếp thu thêm nhiệm vụ mới về quản lý lĩnh vực dược liệu, thuốc cổ truyền.
Nhiều vùng trồng dược liệu hình thành để phát triển tài nguyên cây thuốc, bài thuốc ở Việt Nam.
Bước đi đột phá này đã tạo tiền đề thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực y dược cổ truyền về một mối. Trên cơ sở đó, các mạng lưới thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y dược cổ truyền ở các địa phương được củng cố và hoàn thiện, hầu hết các cơ sở quản lý ở địa phương đều có nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách về y dược cổ truyền.
Từ nhu cầu thực tiễn, 10 năm qua Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã tiếp tục triển khai sâu rộng, tham mưu và trình chính phủ ban hành 4 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng, 16 thông tư hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc của các địa phương, đơn vị trong quá trình phát triển. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cá nhân tổ chức khi tham gia hoạt động lĩnh vực y dược cổ truyền.
Ngày 11/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 362QĐ/TTg phê duyệt đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viên y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014-2025. Đến nay cả nước đã có 5 bệnh viện tuyến trung ương, 65 bệnh viện tuyến tỉnh, với trung bình là 226/giường/bệnh viện, tăng gần 40% so với năm 2010. Các bệnh viện y học cổ truyền từ trung ương đến địa phương được đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị.
Tại tuyến huyện, có 87% các bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa thành lập khoa y học cổ truyền, tổ y học cổ truyền. Tại tuyến xã, 92,6% xã có vườn thuốc y học cổ truyền mẫu. 78,2% xã triển khai khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Điều trị thuốc thành phẩm y học cổ truyền chiếm 90%. Điều trị bằng thuốc thang là 24,5% và điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc là 61,5%.
Sự kết hợp giữa tinh hoa y học cổ truyền dân tộc với tiến bộ y học của nhân loại đã thể hiện hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Y dược cổ truyền giúp chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tốt hơn
BSCK II Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Kiểm soát và Điều trị ung bướu, Bệnh Viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, y học cổ truyền rất có thế mạnh. Ví dụ tai khoa Kiểm soát và điều trị ung bướu có những bài thuốc kết hợp cổ truyền và hiện đại để điều trị chảy máu bàng quang và trực tràng sau khi xạ trị ung thư vùng tiểu khung, được nhiều bệnh nhân đánh giá tốt. Lĩnh vực chăm sóc nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư cũng được đánh giá tốt. Thuốc y học cổ truyền cũng như các biện pháp không dùng thuốc góp phần làm cho bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều.
Từ xưa đến nay, y học cổ truyền được khẳng định điều trị có hiệu quả nhiều nhóm bệnh phức tạp mà không gây tác dụng phụ; trong đó có các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc chiếm tới 30%, điển hình là châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh… Với tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đạt hơn 70%, các bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền, phòng chẩn trị y học cổ truyền ngày càng thu hút nhiều người đến khám và điều trị, đã và đang có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm tải cho các bệnh viện đa khoa.
Trên nền thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong việc sử dụng các loại cây, con làm dược liệu, góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng của từng dân tộc, từng vùng miền.Để có được bài thuốc chữa bệnh hiệu quả, nhiều lương y đã cống hiến cả đời mình nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu về những cây thuốc. Những bài thuốc đông y giá trị chữa ban sởi, viêm xoang, bệnh về gan, giải độc rắn cắn, bệnh lỵ, thống kinh, trĩ... của lương y lớp trước được nhiều người biết đến và đang được lớp hậu duệ học hỏi, tiếp tục phát huy.
Ngành y tế đã tổng hợp được danh mục loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên, trước thực trạng nền y học cổ truyền còn chưa phát huy được hết tiềm năng thì hướng đi phù hợp nhất của ngành dược nước ta dựa vào lợi thế sẵn có là nguồn cây dược liệu trong nước để phát triển. Đây sẽ là con đường nhanh chóng và thuận lợi nhất để đưa ngành dược Việt Nam đón đầu trong hội nhập quốc tế.
10 năm qua, cả nước cũng đã xây dựng được hệ thống đào tạo bài bản, quy mô. Nhiều trường đại học khắp 3 miền đã có khoa hoặc bộ môn y học cổ truyền đóng góp vào sự phát triển của ngành trên toàn quốc.