Có một thực tế là trong các gia đình hiện nay, mẹ vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong việc giáo dục con cái. Do nhiều ông bố còn bận ra ngoài kiếm tiền nên việc nuôi dạy con đôi khi chểnh mảng, phó mặc hết cho người mẹ. Cũng chính vì vậy nên lời nói, việc làm của người mẹ có tác động rất lớn đến sự trưởng thành của con. Có thể nói, phẩm chất của mẹ sẽ quyết định cuộc đời của đứa trẻ.
Như nhà giáo dục nổi tiếng Suhomlinsky từng nói: "Nguồn gốc sự phát triển đạo đức của một đứa trẻ nằm ở trí tuệ, cảm xúc và niềm đam mê bên trong của người mẹ. Việc một đứa trẻ trở thành người như thế nào, phát triển đạo đức ra sao phụ thuộc vào việc người đó có mẹ như thế nào".
Phẩm chất đạo đức của một người quyết định liệu anh ta có được chỗ đứng trong xã hội hay không. Liệu anh ta có thể hòa hợp tốt với người khác, hay có mắc phải những sai lầm mang tính nguyên tắc khi đối mặt với các vấn đề đúng sai hay không. Những người như vậy có thể không quá xuất sắc nhưng họ lại thực tế hơn, ổn định và có sức chịu đựng lâu dài. Đương nhiên họ có thể tiến xa hơn trong cuộc sống.
Hiện nay ngày càng nhiều công ty bắt đầu chú ý đến tư cách đạo đức của nhân viên. Bởi vì một người dù có năng lực đến đâu nhưng nếu tư cách đạo đức kém thì rất nguy hiểm cho công ty. Đối với mỗi cá nhân, nếu đạo đức chưa đủ thì dù có lên chức cao cũng dễ có ngày rơi thảm hại.
Vậy, người mẹ sẽ phải nuôi dạy con như thế nào?
Theo các chuyên gia giáo dục, mẹ cần dạy con theo cách "khoan dung và nghiêm khắc" như vậy khi trưởng thành, con cái sẽ dễ thành công hơn. Cha mẹ cũng có thể yên tâm mỉm cười.
Người xưa thường nói, người cha nghiêm khắc sẽ sinh ra những đứa con hiếu thảo, còn người mẹ yêu thương sẽ sinh ra nhiều đứa con hư. Điều này ám chỉ tác hại của việc người mẹ quá nuông chiều con cái.
Ngày nay, nhiều bà mẹ vô tình mắc phải sai lầm này. Họ giải quyết mọi vấn đề của con ngay lập tức và đáp ứng mọi yêu cầu của con gần như vô điều kiện. Tuy nhiên họ lại không cho phép con có suy nghĩ riêng và cảm thấy điều đó tốt cho con. Họ vô tư kiểm soát con, không cho con quyết định mà không nghĩ đến hậu quả.
Những đứa trẻ được nuôi dạy như vậy sẽ mất đi cơ hội rèn luyện kỹ năng sinh tồn, không có khả năng tự chủ, khả năng tự lập giảm đi rất nhiều. Khi lớn lên, trẻ dễ có tính cách yếu đuối, thậm chí tự ti, thiếu chính kiến trong mọi việc.
Tất nhiên, cũng có những bà mẹ thờ ơ với sự trưởng thành của con cái. Các nghiên cứu đã chỉ ra: Nếu trẻ thiếu tình mẫu tử khi còn nhỏ sẽ làm giảm năng lực não bộ và gây ra các căn bệnh về tâm thần. Nói chung, những đứa trẻ có đủ tình mẫu tử sẽ thông minh hơn, có kỹ năng xã hội cao hơn những đứa trẻ thiếu tình mẫu tử. Bên cạnh đó, những đứa trẻ thiếu tình mẫu tử khi lớn lên dễ đi sai đường, tỷ lệ thất nghiệp cũng cao hơn.
Vì vậy, trong quá trình giáo dục con, mẹ cần phải cân bằng giữa yếu tố khoan dung và nghiêm khắc, không quá mạnh tay những cũng không buông thả, thờ ơ. Chỉ vậy, con cái trưởng thành mới có nhân cách tốt, có nhiều khả năng thành công hơn.
Theo soha