1. Những lợi ích của hạt sen đối với sức khỏe
Theo Sức khỏe đời sống, lương y Thảo Nguyên cho biết, từ ngàn xưa, cây sen đã xuất hiện trong cuộc sống, được coi là quốc hoa của người Việt. Từ những đóa sen vươn mình nở rộ giữa ao làng, đến sự xuất hiện trong kinh Phật hay những truyền thuyết cổ, tất cả đều cho thấy hình ảnh một loài cây xinh đẹp, thanh tịnh.
Nhưng tất cả các bộ phận của cây sen, đặc biệt là hạt sen có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh lớn mà không phải ai cũng biết.
Hạt sen là thực phẩm cao cấp dùng cho người già yếu, trẻ em hoặc dùng làm các món ăn có chất lượng cao: mứt, chè sen; là phụ liệu cho nhiều món ăn dân tộc: phồng tôm...
Hạt sen còn gọi là liên nhục, là nhân hạt sen đã loại bỏ phần lá mầm (tâm sen) phơi hay sấy khô của cây sen, họ sen súng. Theo Đông y, hạt sen vị ngọt chát, tính bình; vào kinh tâm, tỳ, thận. Tác dụng dưỡng tâm, ích thận, bổ tỳ, sáp tràng, an thai, lợi thủy. Dùng làm thuốc bổ, chữa tỳ hư sinh cửu tả, thận hư, di mộng tinh, băng lậu, đới hạ, mất ngủ, thần kinh suy nhược. Ngày dùng 10-30g; bằng cách nấu hầm, rang xay, tán bột, mứt khô.
Liên nhục được dùng làm thuốc trị các chứng bệnh sau:
Ích thận, cố tinh: dùng bài Hoàn liên thực: liên nhục, ba kích, bổ cốt chỉ, sơn thù, long cốt, phụ tử, phục bồn tử. Các vị liều lượng bằng nhau. Nghiền chung thành bột mịn, dùng hồ nếp làm hoàn. Mỗi lần uống 12 g, vào lúc đói, chiêu với nước muối nhạt. Trị chứng thận hư, di tinh, băng lậu, đới hạ...
Dưỡng tâm, an thần: dùng bài Thang táo nhân: toan táo nhân 12g, liên nhục 12g, viễn chí 12g, phục thần 12 g, hoàng kỳ 12 g, đảng sâm 12 g, cam thảo 4 g, trần bì 6 g. Sắc uống. Trị chứng hư lao tâm phiền không ngủ được, tim đập hồi hộp, đầu váng, mắt hoa...
Kiện tỳ, cầm tiêu chảy: liên nhục 16 g, hoàng liên 6g, đảng sâm 12 g. Sắc uống. Trị chứng tỳ hư tiết tả, lỵ lâu ngày không khỏi gây cấm khẩu, ăn uống không trôi.
Một số thực đơn chữa bệnh có hạt sen:
Dùng cho người bị bệnh lâu ngày, người cao tuổi, sau đẻ cơ thể suy nhược: hạt sen 30 g rửa sạch, đường 30 g, rượu 30 ml, trứng gà 1 quả. Nấu hạt sen chín nhừ, cho đường, rượu và lòng đỏ trứng, khuấy tan, đun sôi lại. Ăn trước khi đi ngủ.
Dùng cho người bị tỳ hư tiêu chảy: hạt sen 30 g, gạo tẻ 30 g, củ mài 30 g, phục linh 15 g. Hạt sen, gạo tẻ đều sao chín vàng. Tất cả tán thành bột mịn, khuấy trong nước sôi, thêm đường trắng thành dạng chè bột, ăn 2 lần (sáng, tối).
Món ăn cho người bị di tinh, tảo tiết, đái hạ huyết trắng, kinh nguyệt quá nhiều, tiểu đêm nhiều: hạt sen 30 g, củ súng 30 g, đường liều lượng thích hợp. Tất cả nấu chè, ăn vào bữa điểm tâm buổi sáng.
Món ăn tốt cho phụ nữ có thai dọa sẩy, sẩy thai liên tiếp, có thai đau lưng: hạt sen 30 g, thịt lợn nạc 150 g, thêm gia vị hầm nhừ. Ăn ngày 1 lần.
Món ăn cho người bị suy nhược cơ thể, đại tiện lỏng dài ngày: hạt sen 30 g, gạo tẻ 150 g. Hạt sen và gạo tẻ vo sạch, nấu cháo, thêm đường hoặc muối vừa ăn.
Kiêng kỵ: Liên nhục tính bình không độc, không có cấm kỵ đặc biệt nhưng người bị đầy bụng, không tiêu, táo bón nên hạn chế dùng.
Mẹo bảo quản hạt sen để dành dùng cho cả năm
Hạt sen được chế biến được rất nhiều món ăn ngon như hạt sen xào chay, các món chè hạt sen, cháo hạt sen, canh hạt sen, món hầm… mà món nào cũng ngon và bổ dưỡng. Cách bảo quản hạt sen như sau:
Cách 1:
Khi mua hạt sen về, bóc vỏ hạt sen lấy nhân (tuyệt đối không rửa), dùng tăm để lấy tâm sen ra.
Sau đó đem hạt sen phơi khô, thật kỹ, nhiều nắng rồi cho vào lọ sạch, khô ráo đóng nắp kín để dùng ăn dần. Nếu bạn muốn dự trữ nhiều hạt và muốn để càng lâu thì tốt nhất thỉnh thoảng lại mang hạt sen ra phơi tránh bị ẩm mốc.
Nếu không mang phơi nắng thì có thể đem hạt sen đi sấy khô nếu có điều kiện. Cách này làm nhanh mà tiện dụng.
Cách 2:
Cách bảo quản hạt sen kiểu này chỉ để hạt sen được vài tháng.
Bạn mua hạt sen tươi về bóc bỏ vỏ, bỏ tâm (không rửa), gói thật kỹ cho vào tủ đá. Lúc nào muốn sử dụng thì có thể đem đi hấp lại trước khi chế biến.
Lưu ý: Tâm sen rất tốt cho sức khỏe như giải nhiệt, giúp ngủ ngon, trị mất ngủ… vì thế khi lấy tâm sen ra, nên mang đi phơi hoặc sấy khô để có thể pha với trà hoặc dùng trong các vị thuốc.