Các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra vải thiều không hạt thành công

Các chuyên gia về vải và nhãn tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc cho biết, họ đã giải được bài toán hóc búa: tạo ra trái vải thiều không hạt.

Các chuyên gia về vải và nhãn tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc cho biết, họ đã giải được bài toán hóc búa: tạo ra trái vải thiều không hạt.

Vải thiều là loại trái cây độc đáo, chủ yếu được trồng ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên các nhà khoa học nước này gần đây đã khiến cho loại quả này trở nên khác biệt là nó không hề có hạt, đồng thời hy vọng thành tựu mới sớm trở nên phổ biến.

Gao Zhaoyin, chuyên gia hàng đầu của nhóm nghiên cứu cho biết, có hai giống vải thiều không hạt là A4 và Nandao- đều là các giống đặc hữu duy nhất của Trung Quốc. Mặc dù loại vải thiều không hạt đầu tiên được lai tạo vào năm 1997, nhưng việc sản xuất vẫn là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với các nhà khoa học, dẫn đến việc người dân không dám mơ tới vì sự quý hiếm và giá cao. 

Vải không hạt thường bán theo cặp, mỗi 24 cặp (48 trái) được đóng trong thùng carton có giá gần 600 nhân dân tệ, tương đương 90 USD.

Ông Gao giải thích rằng, nhóm nghiên cứu hiện đã giải quyết được hai vấn đề chính trong việc trồng trọt. Đầu tiên là lai tạo các giống ra hoa ổn định hơn để cho phép hình thành trái tốt hơn. Thứ hai là làm thay đổi độ dày của vỏ trái và cuống to, giúp nó không bị rụng quá nhanh khỏi cây sau khi chín. 

Ông Gao lưu ý: "Việc điều chỉnh lớp vỏ giống như may thêm một lớp áo khoác mới cho trái cây dựa trên việc phân tích các đặc điểm và mô hình sinh trưởng của nó. Điều này giúp gia tăng sản lượng. Trong trường hợp xấu nhất, nếu trái rụng sớm có thể làm giảm 90% thu nhập của vườn cây ăn trái”.

Sau khi giải quyết được các vấn đề trên, các nhà nghiên cứu đã thành lập một cơ sở trình diễn ở huyện Trừng Mại (tỉnh Hải Nam), nơi tập trung vào việc nhân nuôi giống vải thiều không hạt. Hiện tại, giá loại quả mới này đã giảm xuống còn khoảng 100 nhân dân tệ một kg.

Ông Gao nói rằng, so với các loại vải thiều tiêu chuẩn, loại vải thiều không hạt có cùi trong suốt, có vị ngọt và pha một chút chua. Nó cũng có một mùi thơm đặc biệt thoảng mùi rượu.

Ngay khi loại vải thiều không hạt xuất hiện, nó đã khiến người hâm mộ trên mạng xã hội Sina Weibo sôi sục, với nhiều người để lại các lời bình luận hài hước khi gọi đây là "một tin tốt cho những người lười biếng".

Một cư dân mạng đăng trên Sina Weibo: "Tôi cảm nhận được rằng rồi sẽ đến lượt nhãn không hạt và điều đó đang đến gần". 

"Tôi không thể tưởng tượng nổi Dương Quý Phi huyền thoại sẽ vui mừng đến mức nào nếu bà ấy vẫn còn sống đến ngày hôm nay và nghe được tin này", một cư dân mạng khác viết lời bình. (Dương Quý Phi là phi tần rất được sủng ái của Hoàng đế Huyền Tông trong triều đại nhà Đường (618-907), được biết đến là người rất thích ăn trái vải thiều).

Các chuyên gia lai tạo cho hay, giống vải thiều không hạt mới này cần khoảng hai năm nữa để trở nên phổ biến hơn trên thị trường.

Bên cạnh vải thiều không hạt, ông Gao tiết lộ rằng nhóm các nhà khoa học trong nước đang thực hiện một dự án nghiên cứu mới cho một giống vải thiều đặc sản khác có mùi thơm như mật ong.

Ông Gao lưu ý rằng việc trồng vải thiều luôn là thế mạnh của Trung Quốc, bởi hơn 90% loại trái cây này được bán trên thị trường thế giới đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bên cạnh tỉnh Hải Nam, tỉnh Quảng Đông và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây cũng được coi là "cái nôi" của loại quả này.