Thông tin hình ảnh nhận biết cây
Tên khác: Cóc mẵn, Lưỡi rắn, Bòi ngòi ngù, Vỏ chu, Vương thái tô, Đơn dòng, Đơn thảo, Xương cá, Nọc sởi, Mai hồng, An điền, Xà thiệt thảo, Tán phòng hoa nhĩ thảo
Tên khoa học: Hedyotis corymbosa (L.) Lam.
Tên đồng nghĩa: Oldenlandia corymbosa L.
Họ: Cà phê (Rubiaceae)
Tên nước ngoài: Hedyotis à fleur diamant, Flat-top mille graines, Diamond flower
Xem thêm: Cây dược liệu cây Lưỡi rắn, Bòi ngòi ngù, Vỏ chu - Hedyotis ...
Mẫu thu hái tại: thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4-2009
Số hiệu mẫu: LR 0409
Thân cỏ, hơi mập, mọc sà, phân nhánh nhiều, dài 30-40 cm, không lông. Thân non tiết diện vuông, màu xanh hay nâu tím; thân già tiết diện tròn, màu nâu.
Lá đơn, mọc đối. Phiến lá thuôn hẹp, hai đầu nhọn, dài 2-4 cm, rộng 4-8 mm, mặt trên màu xanh đậm, mặt dưới nhạt hơn; bìa lá nguyên. Gân lá hình lông chim, chỉ có gân chính nổi rõ, các gân phụ khó thấy bằng mắt thường nhưng có thể thấy được qua kính lúp. Cuống lá ngắn, mép lá men dần xuống cuống. Lá kèm là một phiến mỏng, màu trắng trên chia 4-5 tơ, trong đó 2 tơ bìa dài khoảng 1.5-2 mm, các tơ giữa ngắn hơn.
Cụm hoa là xim mang 2-4 hoa ở nách lá đôi khi ở ngọn cành. Hoa màu trắng hay tím nhạt. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4. Cuống hoa dài 2-10 mm. Lá bắc và lá bắc con màu xanh, dạng vảy dài 0.5 mm. Lá đài 4, màu xanh, hơi dính nhau ở phía dưới, trên chia 4 thùy hình tam giác hẹp, dài khoảng 1 mm, tiền khai van. Cánh hoa 4, ống tràng cao 1-2 mm; 4 tai thuôn dài, đầu nhọn dài bằng ống tràng; tiền khai van. Phía trong họng tràng có nhiều lông dài, màu trắng. Nhị 4, rời, đính ở đáy ống tràng, xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dài bằng bao phấn; bao phấn hình bầu dục, màu nâu, 2 ô, đính giữa, hướng trong, nứt dọc. Hạt phấn rời, nhỏ, tròn, đường kính 20-25 μm, màu trắng ngà, có 1-3 lỗ nảy mầm. Lá noãn 2, bầu dưới, 2 ô, mỗi ô chứa nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn rất lồi. Vòi nhụy 1, rất ngắn, màu trắng; đầu nhụy 2, màu vàng có nhiều gai nạc.
Quả nang, cao 1.5-2 mm, rộng 2-3 mm, có 2 thùy cạn, mặt ngoài có 4 gân, đài tồn tại. Quả lúc non màu xanh, lúc già màu vàng nhạt.
Hạt nhiều, nhỏ, màu nâu vàng, kích thước 0.4x0.3 mm. Quan sát dưới kinh hiển vi độ phóng đại 100 lần thấy hạt hình bầu dục hơi có góc cạnh hay hình nón, trên bề mặt hạt có nhiều vân hình đa giác.
Cỏ lưỡi rắn hay còn gọi là cóc mẳn (mẵn), bòi ngòi ngù (Tên khoa học Oldenlandia corymbosa) là một loài thực vật có hoa trong họ Thiến thảo. Loài này được L. mô tả khoa học đầu tiên năm 1753.
Hoa thức và Hoa đồ:
Tiêu bản:
Đặc điểm giải phẫu:
Vi phẫu thân có 4 cạnh, 2 cạnh phẳng và 2 cạnh hơi lồi. Tế bào biểu bì hình chữ nhật, có lỗ khí rải rác; lớp cutin khá dày, có răng cưa cạn. Mô dày tròn ít, nằm ở 4 góc thân. Mô mềm vỏ là mô mềm đạo, gồm 6-8 lớp tế bào hình bầu dục, nằm ngang, kích thước không đều, vách mỏng; rải rác có các tinh thể calci oxalat hình kim riêng lẻ hay tập trung thành bó. Nội bì là một lớp tế bào hơi dẹp, khá đều ở thân non và trưởng thành; đai Caspary chỉ thấy rõ được ở đoạn thân già. Trụ bì gồm 1 lớp tế bào kích thước nhỏ, xếp xen kẽ nội bì; tuy nhiên có một vài vị trí lớp trụ bì không rõ, khi đó các cụm libe 1 áp sát nội bì. Libe 1 xếp thành từng cụm, tế bào có kích thước nhỏ, không đều, vách uốn lượn. Libe 2 gồm 3-4 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp khá đều. Gỗ 2 khá nhiều, mạch gỗ gần tròn hay bầu dục, tập trung ở 2 cạnh phẳng, 2 cạnh lồi chỉ có một vài mạch gỗ; tia gỗ nhiều, 1-2 dãy tế bào. Gỗ 1 rất nhiều, phân hóa ly tâm rất rõ, nằm phía dưới vùng có nhiều mạch gỗ 2, mỗi bó gồm 2-3 mạch gỗ. Các tế bào mô mềm tủy tròn hay bầu dục, kích thước không đều, càng vào trong càng to dần, xếp chừa những đạo nhỏ; tinh thể calci oxalat hình khối ít.
Vi phẫu lá: Gân giữa: Mặt trên lõm, tế bào biểu bì gần vuông hay bầu dục đứng, xếp sát nhau. Mặt dưới lồi và tròn, kích thước tế bào biểu bì không đều, hơi lớn hơn tế bào biểu bì trên, cutin có răng cưa cạn, đôi khi có lông che chở đơn bào ngắn, rộng. Tế bào mô mềm to, hình đa giác hay gần tròn, xếp chừa những đạo hoặc khuyết nhỏ. Cung libe gỗ hướng về phía dưới, libe ở dưới, gỗ ở phía trên. Các dãy mạch gỗ xen kẽ với mô mềm gỗ vách còn cellulose. Phía trên gỗ và phía dưới libe có một ít mô dày góc.
Phiến lá: Tế bào biểu bì trên rất to, hình chữ nhật hay gần vuông, tròn ở cạnh dưới, cutin mỏng; rải rác có lông che chở đơn bào ngắn. Mô mềm giậu có 1 lớp tế bào, hình bầu dục, ngắn, phía dưới mỗi tế bào biểu bì có khoảng 4-7 tế bào mô mềm giậu. Mô mềm khuyết cấu tạo bởi những tế bào thuôn, hơi có góc cạnh, kích thước không đều, xếp chừa những khuyết to; rải rác có các bó tinh thể calci oxalat hình kim nằm trong tế bào. Tế bào biểu bì dưới nhỏ, bằng 1/5-1/10 tế bào biểu bì trên, lỗ khí nhiều.
Vi phẫu rễ: Bần gồm 2-3 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Mô mềm vỏ đạo, 4-5 lớp tế bào hình bầu dục, nằm ngang, các bó tinh thể calci oxalat hình kim và tinh thể calci oxalat hình khối nằm rải rác. Libe 1 rõ, thành từng cụm, tế bào nhỏ, vách hơi uốn lượn. Libe 2 nhiều, 6-7 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm. Gỗ 2 chiếm tâm; mạch gỗ rất nhiều, kích thước không đều, hình tròn hay bầu dục.
Đặc điểm bột dược liệu:
Bột toàn cây gồm các thành phần sau: Mảnh biểu bì thân tế bào hình đa giác hơi thuôn dài. Mảnh biểu bì trên tế bào hình chữ nhật hay đa giác vách hơi uốn lượn. Mảnh biểu bì dưới tế bào có vách uốn lượn nhiều, mang lỗ khí kiểu song bào. Mảnh mô mềm. Hạt phấn hoa tròn, có 1-3 lỗ nảy mầm. Mảnh vỏ quả trong. Mảnh vỏ hạt, tế bào nhỏ, vách hơi uốn lượn. Mảnh nội nhũ. Mảnh mạch gồm nhiều loại: mạch xoắn, mạch vòng, mạch vạch, mạch mạng. Tinh thể calci oxalat hình kim, hình khối. Mảnh bần là những tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm.
Phân bố, sinh học và sinh thái:
Loài phân bố khắp nơi, thường gặp ở sân vườn, đất nghèo, bình nguyên đến độ cao 300 m. Trên thế giới vùng phân bố của cây bao gồm hầu hết các nuớc trong khu vực có khí hậu nhiệt đới ở Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Xri Lanka, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Lào và đảo Hải Nam, Trung Quốc; còn có ở Châu Phi và Châu Mỹ. Cây ưa sáng và ẩm, thường mọc thành đám trên các bãi đất hoang, vườn, ruộng cao và nương rẫy. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, sinh trưởng và phát triển nhanh trong vụ hè thu và tàn lụi trước mùa đông. Cây ra hoa nhiều, khi quả già tự mở để phát tán hạt ra xung quanh.
Bộ phận dùng:
Toàn cây (Herba Hedyotidis corymbosae). Rửa sạch, dùng tươi, phơi khô hay sao vàng.
Thành phần hóa học:
Phần trên mặt đất chứa deacetylasperulosid, asperulosid, acid asperulosidic, acid deacetylasperulosidic, 10-O-benzoyldeacetyl asperulosidic methyl ester, scandosid methyl ester, 10-O-benzoyl scandosid methyl ester, 10-O-p. hydroxylbenzoyl scandosid methyl ester, 10-O-pcoumaroyl scandosidmethyl ester (Otsuka Heideoki và cs, 1991). Theo “Trung dược từ hải”, tập I, 1993 cây có chứa corymbosin, asperulosid, acid geniposidic, scandosid, asperglavcid. Ngoài ra trong lá còn chứa rất nhiều vitamin C.
Tác dụng dược lý - Công dụng:
Toàn cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc; acid geniposidic trong cây có tác dụng tẩy xổ.
Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian, cây được dùng tươi để giải độc, chữa rắn cắn rất có hiệu quả. Khi bị rắn độc cắn, lập tức đặt garô phía trên vết rắn cắn cho nọc độc khỏi lan nhanh vào tuần hoàn của cơ thể, tiếp đó lấy một sợi tóc căng thẳng gạt đi gạt lại trên bề mặt vết thương để làm bật những răng phụ của rắn còn cắm trong da, nặn cho máu chảy ra. Sau đó lấy 100 g cây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống, dùng bã đắp lên vết thương, băng lại, khi uống thuốc nên cởi dây garô. Ngày uống 2-3 lần. Những lần sau tăng liều lượng lên 200 g. Sau khi uống thuốc, người bị nạn thấy đỡ đau nhức, ngủ được.
Ngoài tác dụng chữa rắn cắn, cây còn chữa sốt cao, sốt cách nhiệt, đau nhức xương, thấp khớp. Ở Đài Loan, cây cũng được dùng làm thuốc hạ sốt. Ở Philipines, dùng làm thuốc kiện vị, bổ thần kinh và chữa đau răng. Ở Malaysia, cây được giã nát, đắp ngoài để là lành vết thương. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, cây được dùng như một vị thuốc cổ truyền để chữa các rối loạn về gan, đau lá lách và sưng gan, vàng da. Các nghiên cứu gần đây cho thấy H. corymbosa có tác dụng bảo vệ gan chống lại sự ngộ độc paracetamol. Ngoài ra, cây còn chữa sốt rét, ung thư ruột, bỏng, trị lãi; rễ trị đau dạ dày.
Thông tin thêm về cây
Cỏ lưới rắn (Hedyotis corymbosa (L.) và lưỡi rắn hoa trắng hay bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis diffusa Willd) là hai loài khác nhau. Cả hai loài này đều mọc hoang dại ở Việt Nam. Theo y học cổ truyền, hai loài này đều được dùng làm thuốc. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, được dùng chữa các chứng viêm nhiễm, rắn độc cắn. Gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh hoạt chất trong hai loài này như acid ursolic, acid oleanolic và acid geniprosidic có khả năng ức chế u bướu (thử trong ống nghiệm và trên súc vật). Ở Trung Quốc đã dùng bạch hoa xà thiệt thảo và bán chi liên (hay hoàng cầm râu) để làm thuốc chữa ung thư.