Thoái hoá khớp là bệnh khó tránh khỏi ở tuổi trung niên, người cao tuổi. Các vị trí khớp thường bị thoái hoá là cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối, khớp háng, các ngón tay... Bài thuốc Đông y bổ thận sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa diễn ra.
Thoái hóa khớp có hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn điểm nối giữa hai đầu xương. Bệnh làm giảm chức năng vận động. Người bệnh đau âm ỉ ở vị trí khớp bị thoái hoá, đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
Đông y điều trị và dự phòng thoái hóa khớp như thế nào?
Nguyên tắc cơ bản trong phòng và điều trị thoái hóa khớp là làm chậm quá trình hư hại khớp, đặc biệt là ngăn ngừa sự thoái hóa của sụn khớp; giảm đau và duy trì khả năng vận động, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Theo Đông y, chức năng khí hóa của tạng thận bị suy yếu là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng thoái hóa khớp sớm, do đó cần tiến hành điều chỉnh chức năng của tạng thận.
Là một trong 5 ngũ tạng: Tâm, can, tỳ, phế, thận... ngoài chức năng mà Đông y gọi là "chủ thủy" (chuyển hóa nước và dịch thể 2 quả thận trong sinh lý học), tạng thận còn chủ quản chức năng sinh dục (Đông y gọi là thận tàng tinh), điều hòa hô hấp (nạp khí) và liên quan mật thiết tới sự phát triển của xương, tóc, chức năng thính giác, đại tiểu tiện... Điều hòa chức năng của tạng thận giúp kiềm chế quá trình thoái hóa khớp.
Bài thuốc bổ thận kiềm chế quá trình thoái hóa khớp
Thành phần: Thục địa 24g, sơn dược 9g, kỷ tử 9g, sơn thù 9g, phục linh 9g, chích cam thảo 5g, thỏ ty tử 12g, lộc giác giao 12g, quy bản giao 12g, ngưu tất 9g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, bạch thược 12g, tiên linh tỳ 12g.
Cách dùng: Đổ ngập nước trên mặt thuốc 3cm, sau khi đun sôi, đun nhỏ lửa 20 phút rồi chắt ra sắc lần 2. Mỗi thang có thể sắc 3 lần và trộn các nước thuốc lại với nhau, chia uống trong 2 ngày.
Tác dụng: Dự phòng và điều trị thoái hóa khớp do nhiều rối loạn khác nhau ở tạng thận gây nên, biểu hiện: Lưng, gối, khớp xương đau mỏi, bạc tóc, rụng tóc, trong tai có tiếng ù ù hoặc thính lực giảm, đầu choáng mắt hoa, tinh thần uể oải, hay quên, bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, miệng khô họng khát, mồ hôi trộm...
Phương giải bài thuốc:
- Thục địa để nuôi dưỡng tạng thận, nhằm bổ vào chân âm;
- Sơn thù, kỷ tử để nuôi dưỡng can huyết;
- Thỏ ty tử, lộc giác giao, quy bản giao, tiên linh tỳ để bổ ích thận tinh;
- Phục linh, cam thảo để ích khí kiện tỳ;
- Sơn dược để ích âm kiện tỳ tư thận;
- Đương quy, xuyên khung, bạch thược để tăng cường tác dụng dưỡng huyết hoạt huyết.
Các vị thuốc hợp lại có tác dụng dưỡng thận, bổ huyết, ích tinh nhờ đó giúp kiềm chế quá trình thoái hóa khớp. Ngoài ra vật lý trị liệu như chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... đều đem lại hiệu quả tích cực với người bệnh.
Để phòng ngừa thoái hóa khớp, người bệnh nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm các biểu hiện của thoái hóa khớp, hạn chế tốc độ phát triển của bệnh.
Theo skđs