views
Nếu ai quan sát thì dễ dàng thấy được những hoạt động tín ngưỡng, kiểu dâng sao giải hạn hay giải oan trái không phải mới có năm nay, mà diễn ra từ lâu.
Cái gì làm cho dư luận quan tâm, như giọt nước tràn ly?
Đó chính là cách làm thực dụng và mang hơi hám kim tiền qua việc định giá, mặc cả cho lễ nghi ở một vài nơi.
1. Trong nhà chùa có câu "tùy hỉ", với nghĩa đơn giản là sự đóng góp công sức và tiền của cho các lễ nghi, hoạt động từ thiện, công ích không định mức và hạn lượng cụ thể mà tùy hoàn cảnh, điều kiện của từng người, từng nơi; vui vẻ trước khi làm, trong khi làm và cả sau khi làm.
Cần lên án những hành vi trục lợi của ai đó nhưng xin đừng chửi rủa những người dân, xem đám đông kia là u mê, ngu dốt. Bình an là nhu cầu căn bản của con người.
Chúng ta thử hỏi vì sao có nhiều người, trong đó có nhiều người có học hành, cả người trẻ tuổi trở thành nạn nhân của các hành vi lợi dụng trong hoạt động mang màu sắc tâm linh như vậy trong nhiều năm liền?
Nếu không có được sự bình an, ít ra là cảm giác thì dễ gì con người lại đến những nơi đó, nếu xem đây như một dịch vụ cung - cầu.
Có câu chuyện ngụ ngôn về đôi bạn thân là rùa và cá. Rùa có khả năng sống cả dưới nước lẫn trên cạn. Trong khi cá thì môi trường sống chỉ có thể ở dưới nước. Một ngày nọ, rùa lên trên cạn đi chơi, thấy được nhiều cảnh vật đẹp, ngắm hoa lá và bầu trời cao xanh.
Rùa đem kể lại với cá, sau một hồi lắng nghe, con cá đã thầm nghĩ rùa hoang tưởng. Hai bạn tranh cãi và cuộc tranh cãi đó không kết thúc mà tình cảm giữa cá và rùa thì tan vỡ. Không thể nói là rùa hoang tưởng và cũng không thể cho rằng cá mông muội, u mê.
2. Với số đông, có một suy nghĩ mặc định hễ là tôn giáo thì không dính dáng gì đến kim tiền. Nên khi một người đại diện cho tôn giáo nếu có sử dụng bất cứ vật dụng nào mang tính thời thượng hoặc sang trọng - dù là đồ được tặng hay tự sắm - cũng bị lên án gay gắt.
Và do đó, khi thấy một cơ sở tôn giáo nào được xây dựng to lớn, không kể nhu cầu thực tế và điều kiện hỗ trợ bên ngoài, cũng bị phản đối vì liên tưởng tới nghĩa đen của chữ "bần đạo".
Đạo Phật là tôn giáo có truyền thống lâu đời, mặc nhiên là tôn giáo truyền thống, nhiều giá trị đạo đức của Phật giáo trở thành giá trị đạo đức phổ quát trong dân gian.
"Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt", chùa là chùa của làng, của người dân.
Do đó, ai cũng có quyền lên tiếng, góp ý, phản ảnh khi có điều gì hợp lòng hay bất như ý. Kết quả của quá trình tiếp biến hai ngàn năm, nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian đã đi vào chùa chiền, triết lý Phật giáo cũng góp phần làm phong phú cho đời sống tinh thần của người dân.
Dân gian do đó cũng có các khái niệm về đạo Phật của mình, có độ lệch về nội hàm so với Phật học, nhất là Phật học tiếp thu từ nền văn hóa khác. Gần đây điều đáng nói là khái niệm đó đã đi vào tâm thức của số đông trong ý niệm mơ hồ là "tâm linh".
3. Nếu vì một hành vi lệch lạc và nhất thời của cá nhân nào đó mà xới tung và xô đổ nền tảng cũ, trong khi cái mới chưa thực sự đi vào lòng người thì sẽ gây nên sự xáo trộn, hỗn loạn về các giá trị sống.
Những khẩu hiệu hô hào dường như trở nên sáo rỗng, khó chạm tới được trái tim của số đông. Chúng ta cần điều chỉnh, từ nhận thức.
Khi nhận thức thay đổi, hành vi sẽ theo đó có sự chuyển biến. Chuyển biến theo hướng nào, đó là việc cần quan tâm.
Số người được gọi là nạn nhân của những hoạt động mê tín đó là ai, phải chăng không phải là đồng bào của mình, là bà con của chúng ta? Vì đâu nên nỗi như vậy? Xin cân nhắc để đừng quá bức xúc mà có những lời miệt thị, vô tình làm tổn thương chính cơ thể mình.
Thích Tâm Hải (Tuổi Trẻ) / Theo báo giác ngộ
⭐️Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/uqlwz2gku6j để nhận gói giảm giá $ ₫1.500.000 hoặc ⭐️Tìm kiếm ach735692 trên ứng dụng Temu để nhận chiết khấu $ 30%!! |
Facebook Conversations